Tàn phá rừng phòng hộ Sông Tranh

THANH THẮNG 21/03/2019 04:56

Hàng chục cây gỗ chuồn có đường kính khoảng 2 người ôm vừa bị đốn hạ không thương tiếc tại tiểu khu 343 thuộc rừng phòng hộ Sông Tranh. Việc khai thác và vận chuyển gỗ diễn ra công khai nhưng lực lượng kiểm lâm không hề hay biết!

Tin liên quan

  • Tàn phá rừng phòng hộ Sông Tranh (clip)
Nhiều cây gỗ chuồn bị đốn hạ nằm ngổn ngang (ảnh chụp ngày 19.3).
Nhiều cây gỗ chuồn bị đốn hạ nằm ngổn ngang (ảnh chụp ngày 19.3).

“Điểm nóng”  phá rừng

Liên quan tới vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh, trao đổi với Báo Quảng Nam, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng lực lượng kiểm lâm ghi nhận thông tin phản ánh của báo chí. Sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cử lực lượng kiểm lâm do ông Lê Tự Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ huy trực tiếp kiểm tra khu vực mà báo chí phản ánh và sẽ rà soát toàn bộ khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh.

Từ phản ánh của người dân địa phương, sáng 19.3, chúng tôi thuê ghe máy di chuyển từ đập phụ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) men dọc đập chính rồi rẽ vào một nhánh trên mặt hồ sông Tranh thuộc xã Trà Bui. Từ lòng hồ, bằng mắt thường có thể nhìn thấy hàng chục đường mòn nằm ngay ngoài bìa rừng phòng hộ Sông Tranh, nhiều đường mòn do trâu kéo gỗ chỉ nằm cách nhau vài trăm mét. Nhiều khu vực lá cây trong rừng bị khô héo do cây rừng bị đốn hạ. Dừng chân tại một điểm có vài chiếc ghe máy nhỏ đang đậu sát bìa rừng, chúng tôi men theo con đường mòn có nhiều dấu chân trâu đi sâu vào rừng. Cách bìa rừng khoảng 100m, một lán trại được dựng lên với khung sườn bằng gỗ, mái lợp bạc, bên trong có đầy đủ vật dụng sinh hoạt hàng ngày, bếp lửa vẫn đang còn khói.

Từ sau lán trại này đi tiếp vào trong rừng, chúng tôi ghi nhận có nhiều dụng cụ cùng trâu dùng để kéo gỗ bỏ tại một con suối nhỏ. Sau hơn gần nửa giờ đi bộ lần theo con đường mòn hằn sâu dấu chân trâu và những rãnh mòn sâu hoắm do lâm tặc vận chuyển gỗ ra ngoài, chúng tôi mới vào được một khu rừng thuộc tiểu khu 343 (xã Trà Bui), thuộc lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh. Tại đây, có nhiều đường mòn nhỏ rẽ nhiều hướng khác nhau, dấu vết còn rất mới, trên các vách đá vỏ cây bám vào, nhựa cây dính lên vẫn còn chưa khô. Tiếng cưa máy rền vang. Khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, lâm tặc tắt máy cưa và nhanh chóng tẩu tán khỏi khu vực phá rừng.

Rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá nghiêm trọng.
Rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá nghiêm trọng.

Trước mắt chúng tôi là khoảng 30 cây gỗ chuồn (thuộc nhóm III) dài hơn 30m, đường kính khoảng 2 người ôm đã bị lâm tặc đốn hạ ngổn ngang, những cây gỗ mới bị chặt hạ còn đang chảy nhựa. Trong đó, gỗ tròn được cắt thành từng đoạn 2 - 3m chờ rã thành phách. Nhiều cây gỗ bị đốn hạ mới có, cũ có và không có dấu búa của lực lượng kiểm lâm, dù điểm phá rừng cách bìa rừng chưa đến 2km.

Ông H. - người lái thuyền đưa chúng tôi đi cho biết, tình trạng phá rừng phòng hộ Sông Tranh không phải mới xảy ra mà kéo dài từ nhiều năm nay. Các đối tượng dùng trâu kéo gỗ từ nơi khai thác xuống bìa rừng rồi tập kết ở sông Tranh, sau đó dùng ghe máy chạy dầu loại lớn để kẹp 2 bên mạn vận chuyển gỗ vượt sông Tranh theo hướng đập chính ra quốc lộ 40B và dùng ô tô chở đi ngay trong đêm. “Trước đây các đối tượng có chở gỗ qua đập phụ nhưng giờ người dân vận chuyển keo nhiều quá nên không vận chuyển qua hướng đó nữa. Cả khi nước lớn hay nước ròng, lâm tặc đều vận chuyển gỗ, hoạt động này diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Một chiếc ghe lớn có khi vận chuyển được 10 đến 20m3 gỗ” - ông H. nói. Không những tại khu vực tiểu khu 343 thuộc lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá mà dọc theo khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh cũng có nhiều điểm cây rừng bị đốn hạ, hàng chục lán trại dựng ngay trong rừng phòng hộ.

Không những khu vực rừng phòng hộ bị tàn phá, gỗ rừng cũng nằm sắp lớp ngay dưới mặt sông mà lâm tặc đã lợi dụng để cất giấu. Tại một điểm bờ sông, khi lặn xuống nước, chúng tôi phát hiện vài phách gỗ vuông rất to được giấu dưới nước, một đầu dây nối từ phách gỗ dẫn vào bờ bìa rừng.

Kiểm lâm không biết

Để tìm hiểu vụ việc rừng Sông Tranh bị tàn phá, chúng tôi đã liên hệ ông Lê Văn Trường - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập khu vực rừng bị tàn phá, vị này tỏ ra lúng túng và cho biết vẫn chưa nắm được cụ thể địa điểm về vụ phá rừng như chúng tôi phản ánh.

Gỗ lậu được cất giấu dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh. Ảnh: THANH THẮNG
Gỗ lậu được cất giấu dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh. Ảnh: THANH THẮNG

Theo ông Trường, trên địa bàn có 2 trạm chốt chặn, tuần tra xử lý, 1 trạm Trà Giác gồm 7 người, trạm Trà Bui 5 người thường xuyên tuần tra xử lý, hướng dẫn cộng đồng bảo vệ rừng tuần tra ở khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh. “Giờ này anh em đi tuần tra phủ kín ở các tuyến đường, chứ không phải không đi làm. Khi nhận được thông tin, kiểm lâm sẽ xử lý, không nhận được thông tin thì cũng đi tuần tra” - ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, tại khu vực nêu trên là nơi giáp ranh với Nam Trà My (thuộc Hạt Kiểm lâm Nam Trà My, Ban Quản lý rừng đặc dụng Ngọc Linh). Khu vực này có cán bộ tuần tra, xử lý, phối hợp với cộng đồng thôn để quản lý bảo vệ rừng. Riêng tại xã Trà Bui có 8 cộng đồng thôn bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra trên các cánh rừng ở địa bàn. “Địa bàn Bắc Trà My rộng, các tuyến giao thông đi lại khó khăn. Các phương tiện giao thông đường thủy trên lòng hồ Sông Tranh hoạt động tự do và khó kiểm soát các đối tượng khai thác gỗ, săn bắn động vật trái phép tại khu vực lòng hồ. Phần lớn các vụ việc phá rừng nằm ở xa khu dân cư nên việc tổ chức truy quét và đưa các tang vật về nơi tạm giữ rất khó khăn. Diện tích rừng và đất rừng quá lớn, lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng, cùng một lúc phải thực hiện nhiều công việc, nên đôi lúc chưa được chủ động và kịp thời. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm cũng đã tăng cường tuần tra kiểm soát nhưng vẫn còn một số vụ việc xảy ra” - ông Trường nói.

THANH THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tàn phá rừng phòng hộ Sông Tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO