Ngày 5.6.1911, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Gần 30 năm bôn ba qua khoảng 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên hành trình tìm sinh lộ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc cũng đã đặt viên gạch nền cho Việt Nam hội nhập và hợp tác quốc tế về sau.
Điều cần khẳng định là mục đích Nguyễn Tất Thành tìm đường sang Pháp, rồi đi đến các nước Âu Mỹ… ban đầu là để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của những “ông lớn” tự cho mình cái quyền đi khai hóa văn minh dân tộc khác.
Sau này, nhiều lần trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại điều ấy, rằng: “Hồi khoảng 13 tuổi, tôi được nghe lần đầu các từ tiếng Pháp “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”. Khi đó tôi nghĩ tất cả những người da trắng đều là người Pháp. Vì người Pháp đã viết những từ này, tôi đã muốn làm quen với văn hóa Pháp để hiểu được ý nghĩa chứa trong các từ đó”.
Hay như trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Hồ Chủ tịch nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có cha tôi, thường tự hỏi ai sẽ giúp họ loại bỏ ách thống trị của Pháp. Một số cho rằng Nhật Bản, người cho là Anh, người lại cho là Mỹ. Tôi thấy rằng tôi phải ra nước ngoài để tự nhìn. Sau khi tôi hiểu được họ sống như thế nào, tôi sẽ về giúp đồng bào tôi”.
Quan sát ánh sáng và bóng tối
“Nguyễn Tất Thành nhìn số phận con người, không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức tượng thần Tự Do”
(Josephine Stenson - người Mỹ, nhà nghiên cứu lịch sử)
Nhiều tư liệu lịch sử cho thấy Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc lựa chọn những điểm đến đầu tiên là các nước tư bản phát triển, các cường quốc. Ban đầu người thanh niên ấy từ một nước thuộc địa lạc hậu đến Pháp và trở đi trở lại nước này trong gần 7 năm (1911, 1917 - 1923); sang Mỹ ở 2 năm (1912 - 1913), ở Anh 4 năm (1913 - 1917)…
Đó là những nơi Nguyễn Tất Thành nhìn thấy ánh sáng các kinh thành hoa lệ, những “quý ngài” trong các giới cầm quyền, kinh doanh, hoạt động xã hội… Người đã đến các khách sạn sang trọng xin làm việc để có điều kiện quan sát sinh hoạt của giới thượng lưu như khách sạn Omi Parker House (Boston, Mỹ), Drayton Court, Carlton (Luân Đôn, Anh). Người ra các quảng trường, nơi những chính trị gia diễn thuyết, hay vào các thư viện để tranh thủ học ngoại ngữ và nghiên cứu tư liệu lịch sử, văn hóa.
Nhưng không chỉ đi qua nơi có ánh sáng lung linh huyền ảo, Nguyễn Ái Quốc còn tìm đến các khu nhà ổ chuột, khu da đen (như Harlem - Mỹ), để quan sát đời sống của giới lao động bình dân, những người da màu. Khi theo tàu biển đi qua các nước Âu Mỹ, châu Phi, Nguyễn Ái Quốc luôn tranh thủ lúc tàu dỡ hàng để lên bến cảng, dạo thăm nơi ở của những người lao động, ghi chép câu chuyện đời sống thợ thuyền, phu phen tạp dịch.
Bức tranh cuộc sống với hai mảng màu sáng - tối dần lộ diện dưới mắt của người quan sát tinh tế. Chính vì thế Nguyễn Ái Quốc nhận ra ở đâu cũng có mâu thuẫn giữa hai tầng lớp thống trị và bị trị. Thực chất, những ngôn từ “tự do, bình đẳng, bác ái” là dành cho đời sống của giới thống trị, thượng lưu, các nhà tư sản giàu có, sáng sủa, còn phía dưới là vô số bất bình từ cuộc đời cần lao tăm tối, của nhân dân lao động ở các nước bị thực dân đế quốc đô hộ.
Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài báo trên các tờ Nhân đạo, Dân chúng và Người cùng khổ (xuất bản ở Pháp) để chỉ ra điều đó, đồng thời tập hợp đủ tư liệu để viết thiên phóng sự điều tra công phu, sau được in thành sách là “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925).
Từ tìm hiểu đối chiếu giữa ánh sáng và bóng tối trong đời sống, Nguyễn Tất Thành đúc kết những nhận xét sắc sảo. Trong cuốn “Hồ Chí Minh”, Pierre Brocheux viết: “Anh Ba đến cảng Marseille chỉ có 10 francs trong túi… Trong thời gian chờ tàu dỡ hàng, anh đã quan sát và chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở mình, hay tình trạng trộm cắp, gái bán hoa và đặt câu hỏi: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của nước họ trước khi khai hóa chúng ta?”.
Cũng với góc nhìn đối chiếu đó, cuối tháng 12.1912, Nguyễn Tất Thành đến thăm tượng Nữ thần Tự Do nhưng chú ý nhìn dưới chân tượng và ghi vào sổ lưu niệm: “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?” (theo tư liệu của nhà nghiên cứu người Mỹ - Josephine Stenson).
Ứng xử “trung đạo”
Nhận thức về sự mâu thuẫn giữa ánh sáng và bóng tối dẫn đến lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc khi đứng về “phe nước mắt”, tự giác dâng hiến mình cho cuộc đấu tranh để giải phóng giai cấp cần lao cũng như xóa bỏ thân phận đồng bào mình đang bị đọa đầy trong kiếp nô lệ thuộc địa. Bởi vì “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.
Để tìm ra con đường lý tưởng, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu các cuộc cách mạng ở Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác. Người đã tiếp cận ánh sáng từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789), Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776), chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn…
Cho đến tháng 7.1920, Nguyễn Ái Quốc mới đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, từ đó chọn hẳn lối rẽ về con đường giải phóng dân tộc, thông qua cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của chính đảng giai cấp vô sản, liên minh công nông với tất cả lực lượng yêu nước, tiến bộ, kết hợp phong trào đấu tranh trong nước và quốc tế.
Tuy đã chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc từ gợi mở của Luận cương Lênin, nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất mềm dẻo trong phương pháp vận động cách mạng. Người đã phân biệt rõ đối tượng phải đánh đổ là chủ nghĩa đế quốc, thực dân, kiên quyết không khoan nhượng với những kẻ thù xâm lược, nhưng luôn tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và lực lượng tiến bộ trong nội bộ các nước kẻ thù của dân tộc mình.
Và ngay phong trào cách mạng trong nước, lối ứng xử “trung đạo” đó cũng được vận dụng nên đã đặt ra việc tranh thủ giới điền chủ, địa chủ nhỏ, các nhà tư sản dân tộc có lòng yêu nước, kêu gọi họ đứng về phía quần chúng lao khổ, tất cả là để giải phóng dân tộc, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Tư tưởng “liên minh” này đã từng vấp phải sự chỉ trích ngay từ nội bộ đảng cộng sản trong nước và quốc tế cộng sản, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn khéo léo vận động để chuyển biến về sau. Đến khi thành lập Mặt trận Việt Minh, tư tưởng ấp ủ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến thành hành động hiện thực, lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng 8.1945 thành công.
Cũng nhờ lối ứng xử “trung đạo” mà Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ được sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ quốc tế, giữ thế cân bằng quan hệ với các cường quốc luôn tranh giành ảnh hưởng trong phân chia trật tự thế giới.
Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã “tiên giác” về vai trò ngày càng quan trọng của nước Mỹ, nên ngay từ năm 1919 đã gửi thư cho ngoại trưởng Mỹ để kêu gọi tác động Hội nghị Versailles quan tâm về Yêu sách của nhân dân An Nam. Và sau này, Hồ Chủ tịch đã nhiều lần viết thư cho người Mỹ, từ Tổng thống Truman đến Nixon cùng các ngoại trưởng, các giới ở Mỹ để yêu cầu tôn trọng quyền dân tộc tự quyết và nền độc lập của Việt Nam.
Rất tiếc phải mất hàng chục năm sau người Mỹ mới nhận ra thiện ý muốn xác lập quan hệ hữu nghị của Hồ Chí Minh. Như câu thơ đại thi hào Nguyễn Du mà ông Joe Biden, khi còn là Phó Tổng thống Mỹ, đã trích dẫn trong diễn văn chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7.2015: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay Việt Nam đã xác lập đường lối đối ngoại nhất quán “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.