Tận tâm vì nạn nhân da cam

TƯỜNG QUÂN 15/08/2018 02:28

Thấu hiểu được nỗi đau của những nạn nhân da cam, ông Vinh và ông Cát - những cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đã tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng nguồn quỹ để giúp đỡ những người còn mang trên mình vết thương của chiến tranh…

Ông Nguyễn Quang Vinh (phải) và ông Lê Hữu Cát ghi chép danh sách cá nhân, tổ chức đóng góp cho quỹ nạn nhân chất độc da cam.Ảnh T.Q
Ông Nguyễn Quang Vinh (phải) và ông Lê Hữu Cát ghi chép danh sách cá nhân, tổ chức đóng góp cho quỹ nạn nhân chất độc da cam.Ảnh T.Q

Trong căn phòng làm việc tại trụ sở UBND xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ), ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã và ông Lê Hữu Cát - Phó Chủ tịch hội cần mẫn ghi chép đầy đủ bảng danh sách những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đã đóng góp cho nguồn quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã từ nhiều năm qua vào một cuốn sổ lớn mà các ông gọi là “sổ vàng”. “Sổ vàng” không chỉ để lưu lại tên tuổi, địa chỉ, số tiền những tấm lòng vàng đóng góp cho quỹ mà còn ghi chép chi tiết những lần hỗ trợ cho nạn nhân. Đây là một cách để minh bạch, rõ ràng trong vận động và sử dụng nguồn quỹ của hội.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, xã Tam Ngọc có 80 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Địa bàn lại có ít doanh nghiệp, tổ chức đóng chân nên việc vận động quỹ cho nạn nhân chủ yếu từ các nhà hảo tâm, cán bộ công chức, gia đình sĩ quan quân đội. Trước khi vận động, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng để mọi người nhận thức được hậu quả nặng nề của chất độc hóa học và những mất mát của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hơn hết, chính những người đi vận động như ông Vinh và ông Cát luôn luôn đi đầu trong việc đóng góp cho nguồn quỹ. Mặc dù còn khó khăn nhưng với tâm huyết, trách nhiệm của mình, hai ông đã tự nguyện đóng góp mỗi người 3 triệu đồng/năm cho quỹ. Ngoài ra, những người thân trong gia đình hai ông cũng được vận động đóng góp đầu tiên. “Tôi có hai người con gái, sau khi tôi đề cập việc góp quỹ để giúp đỡ các nạn nhân thì mỗi người góp 1 triệu đồng/năm. Ở địa phương, người dân dù nghèo nhưng luôn ủng hộ cho quỹ. Có trường hợp một cựu chiến binh nghèo, có vợ ốm đau nhưng năm nào cũng dành dụm đóng góp 500 nghìn đồng cho quỹ” - ông Vinh cho biết thêm.

Đối với ông Nguyễn Hữu Cát, là một cựu chiến binh, trong những lần về thăm lại đơn vị cũ, ông cũng tranh thủ tích cực vận động cho quỹ và được ủng hộ nhiệt tình, như các đơn vị: Lữ đoàn Công binh 270 (Tam Ngọc), Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, Lữ đoàn Phòng không 573 (Bình Định)… Theo ông Cát, bằng những cách vận động linh hoạt, hiệu quả, trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tam Ngọc đã vận động được 439 cá nhân và tập thể cho nguồn quỹ với tổng số tiền gần 170 triệu đồng và trở thành một trong những địa phương đi đầu của thành phố trong công tác này. Từ nguồn quỹ, hội đã tặng quà và tiền cho hơn 200 lượt nạn nhân với tổng giá trị gần 95 triệu đồng. Với số tiền còn lại gần 70 triệu đồng, hội cho vay để duy trì nguồn quỹ ổn định, từ đó tiếp tục hỗ trợ cho các nạn nhân. “Không còn sức khỏe để đi vận động nữa thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng duy trì được nguồn quỹ để thường xuyên giúp đỡ các nạn nhân” - ông Cát chia sẻ thêm.

TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận tâm vì nạn nhân da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO