Tận tâm với công tác đội

VINH ANH 23/08/2019 13:57

Hai mươi bốn năm gắn bó với nghề giáo, 19 năm làm tổng phụ trách (TPT) đội, cô Thái Thị Kim Thúy (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) luôn hết lòng với công việc và dành tình yêu thương hết mực cho học trò.

Cô Thái Thị Kim Thúy (thứ 5 từ trái qua) cùng các giáo viên tổng phụ trách đội vinh dự nhận giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2019. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Cô Thái Thị Kim Thúy (thứ 5 từ trái qua) cùng các giáo viên tổng phụ trách đội vinh dự nhận giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2019. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Cô Thúy là một trong 14 gương giáo viên TPT đội xuất sắc toàn quốc vừa vinh dự được Hội đồng Đội Trung ương trao tặng giải thưởng “Cánh én hồng” năm 2019. Giải thưởng nhằm tôn vinh những tấm gương sáng về ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, tinh thần phấn đấu bền bỉ, không ngại khó khăn, đoàn kết sáng tạo và luôn hết lòng vì đàn em thân yêu của giáo viên TPT đội.

19 năm làm công tác đội

Chúng tôi gặp cô giáo Thúy sau khi chị vừa tham dự lễ trao thưởng “Cánh én hồng” từ tỉnh Cao Bằng trở về. Câu chuyện về quãng thời gian công tác cũng như thành tích chị đạt được đem lại cho tôi nhiều điều thú vị. Cô Thúy cho hay, đến bây giờ vẫn không thể nào quên được những ngày tháng đầu tiên khi đến với công việc giáo viên TPT đội. Tốt nghiệp trung cấp sư phạm năm 1995, cô Thúy được biên chế về Trường Tiểu học (TH) Lý Tự Trọng làm giáo viên giảng dạy các lớp khối 4 - 5. Đến năm 1999, cô Thúy bất ngờ nhận được quyết định về công tác tại Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai trong vai trò là giáo viên TPT Đội, sau khi Trường Tiểu học Lý Tự Trọng được tách ra làm 2 trường: Lý Tự Trọng và Nguyễn Thị Minh Khai. “Ngay hôm nhận được quyết định phân công làm giáo viên TPT đội, tối đó tôi không sao chợp mắt được. Tôi hình dung ra những nhiệm vụ, công việc của giáo viên TPT đội, nào là tập trung học sinh; điều khiển chương trình các buổi lễ; tập cho học sinh đánh các bài trống đội, nghi thức đội, múa hát tập thể… Đó là những công việc quá mới mẻ với bản thân” -  cô Thúy nhớ lại.

Từ bất ngờ và bỡ ngỡ ban đầu, thấm thoắt đã gần 20 năm chị gắn bó với nghề giáo viên TPT đội. Đến nay (năm 2018) khi Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai sáp nhập về trường cũ, cô Thúy vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này. Với tình yêu nghề và lòng mến trẻ, cô Thúy đã vượt qua nhiều khó khăn cùng với Liên đội Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai và nay là Trường TH Lý Tự Trọng gặt hái được nhiều thành công. Trong 5 năm học (từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2018 - 2019), Liên đội Trường TH Lý Tự Trọng luôn đạt danh hiệu liên đội xuất sắc, đặc biệt trong năm học 2018 - 2019, Liên đội đã vươn lên dẫn đầu trong tất cả các hoạt động, hội thi do hội đồng đội các cấp phát động và tổ chức. Trong đó có việc lọt vào tốp 100 trường có nhiều bài thi nhất tại cuộc thi “Đọc sách vì tương lai” và được Hội đồng đội tỉnh biểu dương. Riêng cá nhân cô Thúy có 13 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và Giám đốc Sở GD&ĐT vinh danh và tặng giấy khen có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Động lực từ học trò

Vinh dự được nhận giải thưởng “Cánh én hồng” của Hội đồng Đội Trung ương trao tặng, cô Thúy cho biết, bản thân cảm thấy hạnh phúc vì sự nỗ lực phấn đấu của mình đã được ghi nhận. “Gần 20 năm qua, động lực to lớn giúp tôi vượt qua khó khăn là những nụ cười, ánh mắt thân thương, sự ham thích tham gia các hoạt động đội của các em học sinh; sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của nhà trường và các cấp lãnh đạo...” - cô Thúy trải lòng. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đội nhà trường, bản thân cô Thúy luôn sáng tạo, đổi mới hoạt động đội bằng cách xây dựng các mô hình thiết thực với học sinh. Trong đó tiêu biểu phải kể đến mô hình “Hướng dẫn học sinh làm đồ dùng, đồ chơi từ các vật liệu phế thải, sẵn có trong môi trường” với việc phát huy Câu lạc bộ “Khéo tay hay làm” trong nhà trường. Qua một năm áp dụng mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh trong việc sử dụng các vật liệu phế thải để tái chế ra các sản phẩm có ích. Các em đã cùng nhau làm ra nhiều sản phẩm đẹp để trang trí lớp học như: làm tranh từ nguyên vật liệu thiên nhiên; làm rối tay hình người, mặt nạ các nhân vật trong các bài tập đọc, câu chuyện các em học; làm giá sách từ thùng giấy…

Theo cô Thúy, việc hướng dẫn, tổ chức cho các em làm đồ dùng, đồ chơi, đồ trang trí từ các vật liệu phế thải và các nguyên liệu sẵn có trong môi trường không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, tạo cho các em hứng thú trong các giờ học, giờ chơi mà còn khơi nguồn sáng tạo, tính cẩn thận, sự khéo léo, tinh thần đoàn kết. Phụ huynh cũng rất phấn khởi khi thấy con em mình tự làm ra được những sản phẩm có ích từ vật liệu phế thải bỏ đi. Thông qua các phong trào thi đua trang trí lớp học, giao lưu “Khéo tay hay làm”, “Ngày hội tái chế”, “Quầy hàng không đồng” (Ai thừa đến cho - Ai thiếu đến nhận)... đã góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng vật liệu tái chế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận tâm với công tác đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO