Ngẫu nhiên, lâu nay nhiều vụ việc để lại hệ lụy xảy ra trên địa bàn tỉnh được dư luận quan tâm đều liên quan đến các kiểu “tận thu” và chủ yếu là tận thu tài nguyên.
Gần đây, các phương án cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu khoáng sản tưởng chừng rất rõ ràng, được nhân dân đồng tình ủng hộ vì góp phần “hiện đại hóa” đồng ruộng nhưng cũng bị mang tiếng là khuất tất. Nhiều cơ quan báo chí còn đặt vấn đề doanh nghiệp lợi dụng việc chỉnh trang đồng ruộng để tận thu... quá mức cần thiết nguồn tài nguyên đất đai. Cụ thể là nhiều doanh nghiệp tham gia chỉnh trang đồng ruộng chủ yếu chọn chân ruộng tốt, có nhiều đất sét để tận thu đất bán cho các lò gạch. Nhiều đơn vị được giao cải tạo, chỉnh trang chỉ “quan tâm” đến việc làm thế nào tận thu đất càng nhiều càng tốt chứ không lo đến việc giao trả mặt bằng đồng ruộng như cam kết, gây khó khăn cho sản xuất. Do thiếu kiểm tra, giám sát của ngành chức năng nên doanh nghiệp khai thác tràn lan, không cắm mốc các điểm khép góc khu vực cải tạo, không ghi nhật ký công trình gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách. Ngoài ra, ngành chức năng cũng lo ngại doanh nghiệp lấy đất quá nhiều, không bù lại tầng canh tác dẫn đến sụt lún, mặt ruộng không bằng phẳng. Rồi đất trồng lúa mà xáo trộn tầng canh tác và lấy thêm nhiều lớp kế tiếp sẽ dẫn đến mất tầng đế cày, phải bù rất nhiều lượng phân hữu cơ và phải mất từ 3 - 4 năm đất ruộng lúa mới hồi phục được... Trước những khúc mắc như trên, UBND tỉnh đã phải tạm dừng các phương án chỉnh trang kết hợp tận thu này và yêu cầu đánh giá lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.
Trước đây cũng có nhiều phương án tận thu để lại hậu quả nặng nề như tận thu titan, tận thu rừng, tận thu vàng, tận thu cát..., hay như kiểu “tận thu” bãi biển của các dự án, rồi một doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất đã tận thu luôn đá xảy ra gần đây cũng làm dư luận bức xúc. Ngoài những hậu quả dễ dàng nhìn thấy thì trong các phương án tận thu, người dân ít được thấy tính hiệu quả của nó, trong khi đây là bài toán giải quyết nhu cầu trước mắt kiểu “ăn khế trả vàng”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Để doanh nghiệp tuân thủ cam kết và đảm bảo tính khoa học trong các phương án tận thu tài nguyên thì việc giám sát của Nhà nước, của ngành chuyên môn là hết sức quan trọng. Nhưng tình hình chung trong các phương án tận thu đang được triển khai là công tác giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Ngành chuyên môn thường thiếu người, chính quyền cơ sở thì dễ bị qua mặt, trong khi người dân không đủ thẩm quyền. Giữa mênh mông của tài nguyên thiên nhiên, chuyện doanh nghiệp hái thêm một vài “quả khế” không mấy khó khăn gì, thậm chí dễ đến nỗi nhiều doanh nghiệp không thèm tuân thủ cam kết “trả vàng”, “ăn ốc” xong để lại một đống “vỏ” sờ sờ nên dư luận mới nhìn thấy và bức xúc. Bởi vậy, nếu không giám sát chặt, ranh giới giữa tận thu và vơ vét tài nguyên mỏng manh chỉ bằng... một tiểu xảo của doanh nghiệp!
C.B.L