Cơn sốt khai thác titan tận thu, tận diệt rừng dương ven biển để làm dự án du lịch và nuôi tôm trên cát… đã tạm lắng trong thời gian gần đây không hẳn do sự vào cuộc đồng bộ hay siết chặt quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Thậm chí vì lợi ích trước mắt, nhiều địa phương, đơn vị đã buông lỏng quản lý, “bật đèn xanh” trước tình trạng vùng bờ biển bị tận thu, tàn phá. Nhiều nơi, cơn sốt tận thu chỉ tạm lắng khi nguồn thu không còn nhiều hoặc những thứ thu được không đem lại giá trị kinh tế cao, và lúc đó tài nguyên vùng ven biển đã bị xâm hại, tạo thêm nguy cơ thiệt hại về thiên tai.
Còn nhớ cách đây vài năm, khi dự án du lịch Cát Vàng (xã Tam Tiến, Núi Thành) bước vào giai đoạn giải phóng mặt bằng, trong khu du lịch này, ngoài việc rừng dương bị xóa sổ chóng vánh, người dân còn chứng kiến nhiều “vòi bạch tuộc” chọc xuống lòng đất để khai thác titan tận thu. Vì quá bức xúc và “hiểu lầm” mục đích của dự án, người dân đã tụ tập đông người, đập phá máy móc, trở thành điểm nóng mất an ninh trật tự ở địa phương. Chuyện sau đó đã được giải quyết bằng cách thôi không khai thác titan nữa, xử lý những phần tử gây rối trật tự… Có thể sự cố này là điều đáng tiếc, nhưng cái được có thể ghi nhận là người dân đã góp phần bảo vệ tài nguyên.
Chuyện tương tự về kiểu khai thác titan tận thu ở vùng ven biển trên địa bàn tỉnh thì có nhiều. Một thời cơn sốt titan đã làm người dân lẫn chính quyền địa phương mất ăn mất ngủ. Vùng ven biển Thăng Bình, Duy Xuyên hay xã Tam Hải, Tam Quang, Tam Nghĩa (Núi Thành) bị đào bới liên tục. Dù cho người dân bức xúc, kêu than vì việc khai thác titan ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường, rừng phòng hộ; chính quyền địa phương và ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng vẫn không giải quyết rốt ráo vấn đề. Cuối cùng cơn sốt này chỉ tạm lắng khi đầu ra của khoáng sản titan có vấn đề, bờ biển nhiều nơi cơ bản đã bị rút ruột, chi phí khai thác tăng lên, giá bán sản phẩm hạ xuống… Hậu quả là nhiều vùng bờ biển nham nhở, rừng dương chỏng chơ. Gần đây, chuyện tương tự như vậy cũng tái diễn với nạn nuôi tôm trên cát tràn lan khiến đất đai, rừng phòng hộ, mạch nước ngầm bị xâm hại. Cơn sốt này cũng đã tạm lắng xuống khi việc nuôi tôm không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí nhiều ao hồ đành bỏ mặc cho mưa nắng.
Bảo vệ tài nguyên, sẵn sàng ứng phó với thiên tai là những nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu, do đặc điểm có bờ biển dài thấp và dễ bị ảnh hưởng của bão, lốc, lượng mưa cao và thất thường, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tác động của biến đổi khí hậu nhất trên thế giới. Đến năm 2050, mực nước biển ước tính sẽ dâng thêm 33cm và đến năm 2100 sẽ là 1m. Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì 11% dân số của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, 7% đất nông nghiệp sẽ bị tác động và GDP sẽ giảm đi khoảng 10%. Những con số và mốc thời gian này có thể quá xa, nhưng những tác động hiện hữu thì đang rất gần. Đã đến lúc thôi kiểu quản lý nửa vời với tài nguyên, thiên nhiên.
MINH ĐỨC