Diện tích đất nằm trong rừng bảo vệ nghiêm ngặt nhưng doanh nghiệp đã “phù phép” đào múc cả triệu mét khối đất phục vụ cho nhà máy sản xuất gạch.
Từ năm 2015 đến tháng 6.2016, trên danh nghĩa cải tạo mặt bằng, tại khu vực sân bay An Hòa giáp ranh giữa hai xã Duy Thu và Duy Phú (Duy Xuyên), Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh đã đào bới hàng chục héc ta đất cao lanh đưa về tập kết ngay trong khu vực sản xuất gạch của công ty tại xã Duy Thu. Theo người dân, vào lúc cao điểm công ty đã đưa 5 - 7 xe tải nối đuôi nhau vào vận chuyển nguồn nguyên liệu, khiến bụi bay mịt mù ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và phá hoại đường sá. Tuy nhiên, hành vi “lách luật” của doanh nghiệp này đã được người dân phát hiện kịp thời, bởi theo quy định của Luật Khoáng sản thì muốn khai thác đất cao lanh, công ty phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản khi khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Trên thực tế, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất chứ không phải phục vụ cho dự án đó. Nếu được phép khai thác, công ty phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) khẳng định, sở không thụ lý hồ sơ liên quan giữa hợp đồng mà Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh ký kết, công ty khai thác là hoàn toàn trái quy định. Tại xã Duy Thu, còn có một doanh nghiệp khai thác đất sét phục vụ cho các nhà máy sản xuất gạch.
Khu vực lấy đất cao lanh ở vùng giáp ranh 2 xã Duy Thu - Duy Phú hồi đầu tháng 6 do Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phạm Ngọc Anh tận thu. |
Trước hành vi sai phạm của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh, cũng như tình trạng ngang nhiên khai thác đất cao lanh, chính quyền huyện Duy Xuyên đã vào cuộc chấn chỉnh. Ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đã yêu cầu chính quyền 2 xã Duy Thu và Duy Phú kiểm tra thực địa, rà soát, tổng hợp diện tích đã khai thác, xác định ranh giới, hiện trạng đất trong và ngoài khu vực sân bay An Hòa; lập biên bản xử lý các trường hợp khai thác đất cao lanh trái phép, buộc doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm hoàn thổ. “Người dân không được tự ý chuyển đổi mục đích đất màu, đất rừng sang khai thác đất cao lanh. Nghiêm cấm việc lợi dụng cải tạo mặt bằng, san lấp đất để khai thác, vận chuyển đất ra khỏi khu vực làm thay đổi hiện trạng” - ông Bốn cho biết.
Trước tình trạng “núp bóng” dự án để bòn rút tài nguyên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý, phải sớm khắc phục các kẽ hở để không cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác khoáng sản trái quy định dưới các hình thức cải tạo đồng ruộng, phát triển kinh tế trang trại kết hợp tận thu đất sét, đất san lấp làm nguyên liệu, chỉnh trị dòng chảy, lấy nước chống hạn… Tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đưa ra “tối hậu thư” với các nhà máy sản xuất gạch, ngói chậm nhất đến ngày 1.1.2017 phải chứng minh nguồn nguyên liệu là khoáng sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp.
TRẦN NGUYỄN