Tận thu đất sét sát chân cầu

HỮU PHÚC 16/06/2015 08:47

Hàng chục nghìn mét khối đất sét được các ngành chức năng huyện Đại Lộc cho phép tận thu dưới danh nghĩa dự án xây dựng trang trại nuôi cá nước ngọt. Chuyện sẽ chẳng có gì phải nói, nếu như khu vực khai thác khoáng sản không nằm sát chân cầu trên tuyến quốc lộ 14B.

Hoạt động tận thu đất sét tiến sát chân cầu.Ảnh: TRẦN HỮU
Hoạt động tận thu đất sét tiến sát chân cầu.Ảnh: TRẦN HỮU

Đe dọa sạt lở cầu

Hơn 12 giờ ngày 11.6, trời nắng như đổ lửa. Dưới chân cầu Hố Lấm (thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Hồng, Đại Lộc), các loại xe cơ giới mở hết công suất hoạt động như đại công trường thi công nước rút. Ba xe múc ngoạm sâu lòng đất và đoàn xe tải 5 - 7 chiếc nối đuôi nhau vào hiện trường vận chuyển cát ra bên ngoài. Vị trí lấy đất sét sát chân cầu Hố Lấm trên tuyến quốc lộ 14B quy mô chẳng khác gì một mỏ đất nguyên liệu được cấp phép. Con suối Hố Lấm, chảy ra dòng sông Vu Gia mùa này khô khốc nước, chung quanh là đồi núi thấp nên việc tận thu đất sét rất thuận lợi. Tại hiện trường, đoàn xe cơ giới của Công ty Vạn Tường (thuộc Quân khu 5) hối hả ra vào chở cát.

Ngày 22.4.2015, UBND huyện Đại Lộc ra quyết định (số 532/QĐ-UBND) phê duyệt phương án phát triển kinh tế trang trại nuôi cá nước ngọt của ông Nguyễn Phương (trú thôn Ngọc Kinh, xã Đại Hồng, Đại Lộc). Quy mô trang trại nuôi cá và chăn nuôi gia súc này có diện tích 7,1ha. Tuy nhiên, hộ ông Phương đã cho Nhà máy gạch tuynel Đại Hưng (thuộc Công ty CP Đại Hưng) đem phương tiện máy móc đến khai thác đất sét phục vụ nguyên liệu cho sản xuất gạch. Sau khi Sở Tài nguyên - môi trường có văn bản (số 707/STNMT-KS, ngày 3.6.2015) về việc thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đất sét dư thừa trong dự án xây dựng trang trại nuôi cá nước ngọt tại khu vực Hố Lấm, UBND huyện Đại Lộc đã ra quyết định (số 653/QĐ-UBND, ngày 5.6.2015) phê duyệt tiền cấp quyền sử dụng khai thác khoáng sản trong quá trình thu hồi đất sét dư thừa tại Hố Lấm với tổng số tiền gần 58 triệu đồng (theo đơn giá 77.400 đồng/m3).

Được các ngành chức năng cho phép, Công ty CP Đại Hưng đã huy động phương tiện máy móc đến tận thu đất sét, bất kể nằm sát chân cầu. Nhiều người dân thôn Hòa Hữu Tây bức xúc: “Mấy ngày nay, xe chở đất sét cả ngày lẫn đêm. Do không phủ bạt, đất chở trên xe rơi tứ tung trên đường, gây ô nhiễm môi trường. Nếu nền đất bị lấy vô tư như hiện nay sẽ rất nguy hiểm cho cây cầu Hố Lấm”. Theo quan sát của chúng tôi, cầu Hố Lấm bắc qua suối, dưới cầu là vực thẳm. Tình trạng tận thu đất chung quanh cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro sạt lở đất vào mùa mưa lũ, đe dọa tuổi thọ cây cầu. Cách cây cầu này vài trăm mét, hiện còn nguyên các lò gạch sản xuất thủ công, trước đây bị chính quyền cương quyết xử lý dừng hoạt động. Khu vực thôn Hòa Hữu Tây, chính quyền huyện Đại Lộc không đưa vào quy hoạch mỏ nguyên liệu đất sét phục vụ cho sản xuất các nhà máy gạch trên địa bàn.

Vẽ đường cho hươu chạy?

Hơn 7ha đất ở Hố Lấm do chính quyền xã Đại Hồng quản lý cho hộ ông Nguyễn Phương thuê ngắn hạn. Không biết sau này phát triển trang trại nuôi cá hiệu quả như thế nào, chỉ thấy hiện tại nơi đây bị cày xới, lấy đất với độ sâu khủng khiếp. Theo cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đại Lộc, trong hồ sơ báo cáo kỹ thuật, phạm vi trang trại này sẽ bị lấy đi ít nhất 22.882m3 đất sét. Câu hỏi đặt ra ở đây: khu vực khai thác đất rộng lớn, nhưng tại sao doanh nghiệp chỉ lo nhắm vào vị trí sát chân cầu? Các ngành tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc có đánh giá tác động môi trường và có biết được thực địa tận thu đất sét đang lấn sát chân cầu không? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đại Lộc nói: “Khoảng cách lấy đất xa cầu nên không bị ảnh hưởng. Nếu đúng như nhà báo phản ánh, tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra”. Một điều ai cũng dễ nhận ra, sở dĩ Công ty CP Đại Hưng chọn vị trí gần chân cầu Hố Lấm tận thu nguyên liệu vì sát đường giao thông thuận lợi vận chuyển, trữ lượng dồi dào, giảm chi phí đầu tư…

Trước đây, hầu hết nhà máy sản xuất gạch đều không được quy hoạch mỏ nguyên liệu, khai thác đất nổi trôi, chủ yếu lấy từ dự án cải tạo đồng ruộng. Đến nay, UBND huyện Đại Lộc quy hoạch cho Nhà máy gạch tuynel Đại Hưng 3 điểm khai thác mỏ với tổng diện tích 75ha, nhưng không có tọa độ nào nằm trên địa bàn thôn Hòa Hữu Tây. Ngày 9.7.2014, UBND huyện Đại Lộc có thông báo (số 168/TB-UBND) về việc phân bổ nguồn nguyên liệu đất sét phục vụ sản xuất cho 9 nhà máy gạch đóng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Khánh, thời điểm này vẫn chưa có nhà máy gạch nào trên địa bàn làm thủ tục xin khai thác mỏ. “Vì sao doanh nghiệp không chịu lấy đất từ mỏ đã quy hoạch?”. Trả lời câu hỏi này, ông Khánh nói: “Do người ta chưa có nhu cầu cần thiết (!)”.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận thu đất sét sát chân cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO