Theo luật định, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng khoáng sản thông thường phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. UBND tỉnh đã quy hoạch mỏ khoáng sản cho từng địa phương, song rất nhiều doanh nghiệp vẫn mua bán nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, chính quyền một số nơi còn làm trái quy định.
Vị trí lấy đất sét sát chân cầu Hố Lấm (thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Hồng, Đại Lộc) phục vụ cho chế biến vật liệu xây dựng hồi năm 2015. Ảnh: TRẦN HỮU |
BÀI 1: BẤT MINH NGUỒN GỐC NGUYÊN LIỆU
Các đợt kiểm tra, giám sát liên ngành năm 2017 chỉ ra hàng loạt doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã cố tình vi phạm các quy định của Luật Khoáng sản, nhập nhằng sử dụng nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Lo ngại hơn, chính quyền một số nơi còn cho phép tận thu khoáng sản trái thẩm quyền.
Sai phạm
Theo Luật Khoáng sản, từ ngày 1.1.2017, các nhà máy hoạt động lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói, xi măng…) khi dùng khoáng sản thông thường như đất cát, sét phải có nguồn gốc hợp pháp. Hai năm trước, chính quyền tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tìm kiếm địa chỉ tiêu thụ nguyên liệu rõ ràng. Năm 2017, UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành tài nguyên - môi trường, công thương, Công an tỉnh kiểm tra các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và phát hiện nhiều sai phạm của tổ chức, đơn vị.
Một khu vực lấy đất để sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Quế Hiệp (Quế Sơn) trước đây, gây nhiều hệ lụy cho môi trường. Ảnh: TRẦN HỮU |
Cụ thể, tại thôn Phú Lạc (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), nơi đóng chân nhà máy gạch của Công ty CP Gốm sứ La Tháp. Qua kiểm tra cho thấy, khối lượng đất nhập năm 2016 của công ty là 3.706m3 và năm 2017 là 7.781m3. Khối lượng sử dụng đất năm 2016 của nhà máy 10.226m3 và năm 2017 là 7.875m3. Đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận, khối lượng đất tồn kho tại thời điểm kiểm tra giữa tháng 8.2017 theo sổ sách là gần 6.000m3 và tại bãi là 6.406m3 (nhiều hơn so với sổ sách 419m3). Dùng một khối lượng đất sét lớn nhập vào từ đầu năm 2016 đến tháng 8.2017, nhưng công ty này vẫn không kê khai nộp các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Báo cáo kết quả kiểm tra nguồn nguyên liệu của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh của Đoàn kiểm tra liên ngành ngày 6.11.2017, cho thấy trong số 13 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng thì chỉ có 3 đơn vị hoạt động đáp ứng các quy định của Luật Khoáng sản, 2 nhà máy tạm đóng cửa hoạt động, còn lại đều sai phạm do sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc, mua bán nguyên liệu trôi nổi, chênh lệch khối lượng giữa thực tế và sổ sách… Theo số liệu thống kê của Phòng Khoáng sản (thuộc Sở TN&MT), hiện trên địa bàn tỉnh có 21 giấy phép cấp tận thu đất sét sử dụng cho mục đích sản xuất gạch ngói còn hiệu lực. Trong đó, có 7 giấy phép cấp cho 5 nhà máy gạch, còn 14 giấy phép cấp cho các đơn vị khác để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy gạch ngói. |
Một cơ sở sản xuất gạch khác là Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ thương mại Bàn Sơn (đóng tại thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên) cũng sử dụng lượng đất nhập từ năm 2016 đến 2017 là 12.135m3, với 2 bản hợp đồng khai thác đất làm gạch được ký với UBND xã Duy Thu ngày 5.8.2016 và xã Duy Phú vào 18.8.2017. Nhà máy của công ty tiêu thụ đất giảm dần qua các năm. Năm 2016 sử dụng 10.466m3 đất nhưng năm qua chỉ tiêu thụ gần một nửa khối lượng. Khối lượng đất ở bãi tại thời điểm kiểm tra 4.000m3, ít hơn so với sổ sách là 5.585,4m3. Trước sai phạm của nhà máy, đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị truy thu các khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp theo quy định vì công ty đã không chấp hành pháp luật về nghĩa vụ thuế do đã sử dụng đất nguyên liệu sản xuất ra gạch nhưng khi bán không xuất hóa đơn.
Một doanh nghiệp tận thu nguồn đất sét “khủng” để sản xuất là Công ty CP Gạch gốm Kiểm Lâm (đóng tại thôn 6, xã Duy Hòa, Duy Xuyên). Tổng khối lượng đất nhập gần 2 năm qua của công ty là 39.290m3. Tuy nhiên, nhà máy của công ty dùng đa dạng nguồn gốc khoáng sản, lấy đất từ đào hồ trong khuôn viên công ty, mua trôi nổi không rõ nguồn gốc và ký kết thỏa thuận với chính quyền xã.
Đoàn kiểm tra đánh giá, nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán đất hợp pháp nhưng có tình trạng khai thác đất nguyên liệu lớn hơn khối lượng ghi trong hợp đồng. Kiểm tra 13 nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh vào năm 2017, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp như gian dối trong kê khai sổ sách với khối lượng thực tế; phần lớn hợp đồng mua bán đất của các công ty là hợp pháp nhưng việc mua đất đồi, đất đỏ, đất san lấp, không phải đất sét để sản xuất gạch, gây thất thoát về tài nguyên.
Buông lỏng quản lý
Một số doanh nghiệp khai thác khối lượng đất dư thừa từ dự án cải tạo đồng ruộng. Khi có “lá bùa” ký kết thỏa thuận với chính quyền địa phương về địa điểm lấy đất nguyên liệu, các doanh nghiệp như Công ty CP Gốm sứ La Tháp, Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ thương mại Bàn Sơn, Công ty CP Gạch gốm Kiểm Lâm đã nghiễm nhiên tận thu đất bất hợp pháp, làm thất thu phần chênh lệch giữa giá trị đất nguyên liệu theo đơn giá do tỉnh ban hành và giá trị thực tế. Theo Sở Xây dựng, việc UBND các xã Duy Hòa, Duy Phú và Duy Thu cho phép doanh nghiệp cải tạo đất và tận thu đất sét thừa làm nguyên liệu là không đúng quy định của pháp luật về khoáng sản. Riêng UBND xã Duy Hòa tự ý lập biên bản thỏa thuận với Công ty CP Gốm sứ La Tháp tận thu đất sét sau ngày 18.5.2016 là không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Do đó, nguồn gốc nhập vào của công ty tại 2 biên bản thỏa thuận cải tạo đất và tận thu nguồn đất dôi thừa làm nguyên liệu sản xuất gạch với khối lượng 11.487m3 là bất hợp pháp.
Nguồn nguyên liệu đất sét hợp pháp đang là “cơn khát” của nhiều cơ sở sản xuất gạch. Ảnh: TRẦN HỮU |
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận một số cá nhân còn tiêu thụ đất nguyên liệu trái phép cho các nhà máy gạch. Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Thịnh (trú ở xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn), ông Trương Học (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) bán đất nguyên liệu bất hợp pháp cho Công ty TNHH Huy Hoàng. Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, các doanh nghiệp lợi dụng chủ trương cải tạo đồng ruộng có tận thu đất sét để khai thác, hoặc mua thêm đất nguyên liệu trôi nổi bên ngoài, gây khó cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Theo Sở TN&MT, UBND huyện Duy Xuyên đã buông lỏng quản lý tài nguyên khoáng sản, để cho các xã Duy Hòa, Duy Thu, Duy Phú cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp trái thẩm quyền, không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 17, ngày 18.5.2016 về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh và tuân thủ đúng quy định của Luật Khoáng sản. Qua thu thập tài liệu, chúng tôi thấy các địa phương nêu trên đã tự ý thỏa thuận cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất gạch sau khi UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo cứng rắn.
___________________
Bài 2: Tìm phương án xử lý
TRẦN HỮU