Hai cô giáo, mỗi người một cảnh đời khác nhau nhưng cùng chung sự yêu nghề, hết lòng vì học trò thân yêu.
Vì học trò Bình Lâm
Cô Lê Thị Thanh Nga (62 tuổi, TP.Tam Kỳ) đã về hưu nhưng sự nhiệt huyết cô vẫn giữ nghề “gõ đầu trẻ”. Cô còn nhớ những ngày mới chập chững bước lên bục giảng, lúc đó tôi vừa đậu tú tài. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc bám trụ 4 năm học ở Huế đối với tôi là không thể. Để nuôi dưỡng ước mơ của mình, tui đã xin đi dạy giờ kiếm tiền trang trải học phí. Và tui được phân về dạy tại ngôi trường Bình Lâm (huyện Thăng Bình)”. Cùng một lúc, cô gái 18 tuổi này vừa phải lo công việc dạy học ở trường Bình Lâm vừa sắp xếp thời gian để một tháng ra Huế một tuần học đại học.
Cô Lê Thị Thanh Nga dù đã về hưu nhưng vẫn miệt mài xem bài trước khi đến lớp dạy hè. |
Trường Trung học Bình Lâm lúc bấy giờ phần lớn học sinh học ở ngôi trường này đều là con em của 3 xã Bình Trị, Bình Lãnh (là cánh xã vùng núi Thăng Bình) và Bình Lâm (Hiệp Đức), thời đó 3 xã này là khu vực giao tranh giữa hai chế độ. Nhận thấy khu vực này không đảm bảo an toàn, chính quyền dồn dân về Thăng Bình để dễ dàng quản lý. Đam mê làm giáo viên từ nhỏ, giờ ước mơ đứng lớp dạy học thành hiện thực. Ngày đó cả trường được chia làm ba khối lớp 6, 7, 8 với 6 lớp mà chỉ có 5 giáo viên. Học sinh trong các lớp không đồng đều về số tuổi, thậm chí có học trò bằng tuổi cô giáo. Năm 1975 đất nước giải phóng, tất cả giáo viên tập trung về Tam Kỳ. Cô Nga chuyển công tác đến trường Tam Kỳ 1 (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản bây giờ), sau đó luân chuyển đến một số nơi khác nữa và ngôi trường cuối cùng cô gắn bó trong quãng đời đi dạy của mình là Trường THCS Nguyễn Huệ.
Suốt một đời gắn bó với học sinh, cái nghiệp giáo viên như bám lấy cô. Mặc dù về hưu nhưng lòng vẫn đau đáu với trường với lớp, cô cùng một số giáo viên trong hội Cựu giáo chức phường Phước Hòa mở lớp dạy hè cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Gần 40 năm theo nghề giáo tôi thực sự yêu nghề, đã đem hết năng lực cũng như lương tâm của nghề giáo ̉ giảng dạy cho học trò. Vì các em tôi không có gì phải tiếc nuối. Đây thực sự là một nghề cao quý, tôi được các học sinh của mình tôn trọng và thương yêu. Đó là những điều đáng trân quý”- cô Nga xúc động.
Cô Trần Thị Bích Thoa cùng học trò sinh hoạt trong lớp học mới. Ảnh: D.THÙY |
“Xin” trường học cho trò
Câu chuyện cô giáo trẻ Trần Thị Bích Thoa (SN 1990, huyện Bắc Trà My) lên facebook xin trường học cho trò thời gian qua đón nhận rất nhiều tình cảm của cộng đồng mạng. Năm 2012, cô giáo Thoa nhận công tác tại Trường Mẫu giáo xã Trà Leng (huyện Nam Trà My). Mỗi ngày, ngoài 50 cây số đường núi từ nhà đến trung tâm xã, cô còn cuốc bộ hơn 4 giờ men theo những cánh rừng, qua bốn con suối mới đến được điểm trường thôn 4, Ông Dũng.
Lớp cô Thoa dạy chỉ là căn nhà tranh tre ọp ẹp, trong ấy đặt mấy bộ bàn ghế cũ và cái sạp tre để hai chục học trò sinh hoạt. Học trò của cô Thoa, nhiều em không có quần áo mặc, không có dép đi. Những ngày mưa, ngồi trong lớp mưa dột ướt cả người khiến các em lạnh cóng. Ghi lại tất cả vào điện thoại sau đó cô Thoa đăng những hình ảnh lên trang cá nhân của mình với hy vọng xin các mạnh thường quân giúp xây cho các em một ngôi trường mới.
Đúng 10 ngày sau khi gửi hình ảnh chụp lớp học tại thôn 4, Ông Dũng, Thoa nhận được liên lạc của Hội từ thiện Ong Vàng (Quảng Nam). Sau chuyến khảo sát, hội đồng ý xây cho thôn một ngôi trường kiên cố. Cô Thoa vui mừng, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, nằm xuống là những hình ảnh về ngôi trường khang trang hiện lên. Cứ nghĩ đến các em nhỏ chạy nhảy quanh lớp học mới cô cảm thấy hạnh phúc xiết bao!
Tháng 9.2014, tại thôn 4 Ông Dũng mọc lên ngôi trường mới rộng 30m2, tường, sàn bằng gỗ chắc chắn, lợp tôn kín đáo. Cô trò quây quần trong lớp học còn thơm mùi sơn, có góc học tập, góc sinh hoạt, bốn phía tường trang trí thêm bức tranh bông hoa, con thú ngộ nghĩnh.
Chưa vội vui ở ngôi trường mới, giữa năm 2015, cô Thoa lại nhận được sự chấp thuận của Hội từ thiện Vô Ưu (Đà Nẵng) đồng ý xây cho thôn 4 Ông Lò một ngôi trường 35m2. Điểm trường xa nhất xã nay đã có lớp học kiên cố. Tiếp đó Hội Tiếp sức những ước mơ (TP.Hồ Chí Minh) lại giúp Thoa xây thêm một ngôi trường hơn 40m2 kiên cố tại thôn 2 Tak Lẻ. Và Hội Hương Từ Tâm (Đà Nẵng) cũng tặng thôn 3 Đèn Pin một ngôi trường gỗ có la phông, gạch men sạch đẹp.
Cô giáo Thoa tâm niệm, bọn trẻ khổ như thế này mà giáo viên không giúp được gì thì có lỗi với học trò. Ngoài xin trường cho các em, Thoa đã liên tục xin áo quần, chăn, dép… cho bà con. Mỗi lần có dịp về nhà, cô dùng số tiền tiết kiệm của mình mua vở, bút, vài vỉ thuốc để sẵn khi cần sơ cứu cho học sinh. Hơn 4 năm gắn bó, Thoa xem Trà Leng như là quê hương thứ hai của mình. Khi có người hỏi động lực gì khiến Thoa gắn bó với nơi này, cô giáo trẻ nhanh nhảu chỉ tay vào mấy đứa nhỏ đang hồn nhiên chơi đùa. Chính những ánh mắt và nụ cười ngây thơ đã níu giữ cô ở lại. “Nhớ ngày đầu tiên nhận lớp với 29 em dưới 5 tuổi, nhìn danh sách 13 em 3 tuổi tôi thực sự run. Ngày đầu đến lớp chúng xa mẹ thế là òa lên khóc, có nhiều em mẹ đứng ngoài cửa sổ suốt cả tuần. Những ngày đó rồi cũng đã qua, giờ đây các con đã biết hát, biết múa cùng cô, yêu lắm, thương lắm” - Thoa xúc động.
DUNG THÙY