QNO) - Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề, lượng tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm của người tiêu dùng tăng lên khá cao. Ngành chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thì người tiêu dùng hãy cẩn thận, lựa chọn các mặt hàng được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân.
Tại các chợ, bánh, kẹo được bán tràn lan, không bao bì, nhãn mác, xuất xứ. Ảnh: M.L |
Nỗi lo thực phẩm bẩn
Có mặt tại chợ Thương mại, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, không khí mua bán ngày tết rất nhộn nhịp. Tất cả các mặt hàng đều đã có mặt trên các gian hàng, từ quần áo, giày dép đến các mặt hàng đồ khô, bánh mứt, thực phẩm tươi sống,… Bà Lê Thị Thủy (58 tuổi), phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ cũng tranh thủ mua sắm chuẩn bị tết cho gia đình. Bà Thủy cho biết, năm nào gia đình cũng sắm sửa nhiều thứ để mong đón một cái tết đủ đầy. Năm nay cũng không ngoại lệ, nhưng bà cẩn thận hơn khi lựa chọn. “Năm nay hàng hóa tết rất đa dạng, từ bánh mứt, thức uống cho đến các loại thực phẩm khác, nên rất sợ các loại hàng hóa kém chất lượng trà trộn vào. Cô phải dành nhiều thời gian để lựa chọn các loại thực phẩm, bánh mứt an toàn cho sức khỏe của gia đình” - bà Thủy chia sẻ.
Dịp Tết Nguyên đán là thời gian nhộn nhịp nhất tại các khu chợ, cửa hàng tạp hóa. Hàng hóa rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, nhưng kèm theo đó là vấn đề chất lượng, khiến người tiêu dùng khá lo lắng. Đặc biệt, năm nay các sản phẩm “nhà làm” được bày bán nhiều, từ dưa món, củ kiệu, thịt ngâm nước mắm, bò khô, khô gà lá chanh, mực, cá rim, các loại bánh tổ, bánh chưng, bánh tét hay nem, chả… Đây là những món được ưa chuộng rất nhiều trong dịp tết nhưng quy trình sản xuất và chất lượng cụ thể như thế nào là vấn đề người tiêu dùng quan tâm.
Chị Nguyễn Thanh Bình (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) khá phân vân khi lựa chọn các sản phẩm này. “Những sản phẩm “nhà làm” được người bán bảo là an toàn, không chất bảo quản, nhưng thực tế như thế nào thì không ai biết được. Ai cũng muốn bán được sản phẩm của mình. Còn sức khỏe của người tiêu dùng thì chỉ chính họ mới bảo vệ được. Vì thế, tôi đang cân nhắc rất kỹ khi chọn mua các sản phẩm này” - chị Bình cho biết.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, để góp phần đảm bảo cho một cái tết cổ truyền an toàn, lành mạnh, Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, trong đó tập trung đôn đốc các địa phương tổ chức những hoạt động thiết thực, hiệu quả trong vấn đề đảm bảo ATTP. Đồng thời tuyên truyền cụ thể đến người dân, doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP trong dịp tết này.
Theo đó, từ ngày 2.1.2019 đến nay, đã có 265 đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp tỉnh, huyện, xã đã đến kiểm tra tại từng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã kiểm tra 2.153/18.429 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra, có 1.904 cơ sở đạt chất lượng, 249 cơ sở vi phạm, xử phạt 10 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 18,5 triệu đồng. Qua công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, các đoàn đã đề nghị tiêu hủy 28 sản phẩm tại 15 cơ sở có vi phạm, với các lỗi như bảo quản thực phẩm chưa đúng theo quy định, hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng hóa có xuất xứ nước ngoài không có nhãn phụ... Bên cạnh đó, nhiều cơ sở cũng vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người,...
Các đoàn thanh, kiếm tra ATTP đến từng cơ sở để kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ảnh: M.L |
Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân, nhu cầu sử dụng thực phẩm rất nhiều. Vì vậy, công tác đảm bảo ATTP cần được triển khai hiệu quả hơn nhằm không để xảy ra ngộ độc và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Khuyến cáo đối với người tiêu dùng trong dịp Tết này, ông Nguyễn Cam nhấn mạnh, người tiêu dùng cần lựa chọn nguyên liệu chất lượng để chế biến. Đối với hàng công nghiệp thì phải biết cách lựa chọn theo nhãn mác, trong đó chú ý hạn sử dụng và cảm quan về chất lượng bên ngoài sản phẩm. Lưu ý việc bảo quản thực phẩm phải đúng cách, nhất là đối với những thực phẩm dùng nhiều lần thì phải hâm bảo quản theo đúng quy trình. Đồng thời, phải tẩy chay những hàng hóa không đảm bảo yêu cầu. “Để niềm vui được trọn vẹn trong ngày tết thì bia rượu là không tránh khỏi, nhưng cần phải uống có kiểm soát để không gây ra những hậu quả xấu cho xã hội” - ông Cam chia sẻ thêm.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề, lượng tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm của người tiêu dùng sẽ tăng lên rất cao. Vì vậy ngoài nỗ lực của các ngành chức năng thì người tiêu dùng hãy cẩn thận, lựa chọn các mặt hàng được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân.
MỸ LINH