Tăng cường giám sát bệnh Marburg

LÊ QUÂN 24/03/2023 09:03

Yêu cầu giám sát chặt chẽ, phòng chống dịch bệnh Marbug được đưa ra khi đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 88%.

Virus Marburg có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: Medpage Today.
Virus Marburg có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: Medpage Today.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trên cả nước và các viện vệ sinh dịch tễ/viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg - một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Marburg gây ra, đây là chủng vi rút được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, hoặc lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...). Ngay cả môi trường hay vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc vi rút này cũng tạo điều kiện lây truyền bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Guinea Xích đạo xác nhận ổ dịch bệnh do vi rút Marburg đầu tiên và đã có 9 trường hợp tử vong, 16 ca nghi nhiễm liên quan đến ổ dịch này.

Marburg có thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày với khởi phát là các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các chuyên gia nhận định, đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 88%).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học tại TP.Hồ Chí Minh thông tin, vi rút Marburg lây khi chất tiết của người bệnh xuyên qua da hay niêm mạc của người khác. Đặc biệt, Marburg không lây qua muỗi hay côn trùng cắn và không lây qua đường hô hấp nên không quá đáng lo ngại.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để đối phó với tình hình lây lan phức tạp của dịch bệnh, cần đưa ra một loạt biện pháp và áp dụng đồng thời để mang lại hiệu quả như: phát hiện kịp thời ca bệnh khi mới phát sinh, tìm kiếm những người đã tiếp xúc và có khả năng bị lây nhiễm vi rút, cách ly và khoanh vùng những địa phương có ca bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan cộng đồng, tuyên truyền cho mọi người biết thông tin về vi rút Marburg…

Bộ Y tế khuyến cáo, với sự lây nhiễm của vi rút Marburg, người dân nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà, phải mang găng tay, đồ bảo hộ được khuyên dùng. Người dân cần rửa tay thường xuyên sau khi thăm người bệnh tại bệnh viện, hoặc sau khi chăm sóc họ tại nhà.

Ngày 22/3, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Ngoài ra, tiến hành điều tra dịch tễ, đặc biệt với những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày, phối hợp với Viện Paster Nha Trang lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán. Nếu có ca bệnh cần tổ chức quản lý chặt chẽ và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương. Ngoài ra, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị phòng chống bệnh và thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng cường giám sát bệnh Marburg
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO