(QNO) - Quyết toán hoàn thành các hạng mục và nâng cao hiệu quả trồng rừng thay thế (TRTT) trên địa bàn Quảng Nam đang được các ngành chức năng và chủ rừng đôn đốc thực hiện.
Vướng từ thông tư hướng dẫn
UBND tỉnh giao cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam thu nộp tiền TRTT 45 dự án, công trình, với lũy kế tổng số tiền đã thu gần 165,8 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch thu). Cạnh đó, khoản kinh phí dịch vụ môi trường rừng chưa có đối tượng chi được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng để TRTT hơn 16,2 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí có tại quỹ được phép chi cho công tác TRTT là hơn gần 182 tỷ đồng.
Theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có Vườn Quốc gia Sông Thanh (đơn vị chủ đầu tư) thực hiện quyết toán hoàn thành các hạng mục TRTT với số tiền gần 5 tỷ đồng, lũy kế hơn 95,1 tỷ đồng (đạt 74% so với gần 129,1 tỷ đồng đã giải ngân).
Nguyên nhân là do việc quyết toán hoàn thành các hạng mục TRTT đang bị vướng, từ khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 15 về Hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh.
Cụ thể, khoản 4 điều 10 trong Thông tư 15, việc nghiệm thu hạng mục sẽ áp dụng đối với các công trình lâm sinh, bảo vệ rừng để xác định khối lượng, chất lượng các hạng mục công việc được thực hiện, làm cơ sở tạm ứng, thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành và quyết toán; còn việc nghiệm thu hoàn thành sẽ áp dụng đối với các công trình lâm sinh cần xác định được diện tích thành rừng để quản lý theo các quy chế quản lý rừng.
Tuy nhiên hiện nay, việc lập biên bản nghiệm thu hạng mục lại không đủ cơ sở để quyết toán hạng mục mà phải có biên bản nghiệm thu hoàn thành. Tuy nhiên, biên bản này chỉ được lập sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư. Do đó, toàn bộ các công trình được đầu tư từ 2021 trở đi bị vướng, không thực hiện được việc quyết toán hoàn thành các hạng mục đầu tư TRTT.
“Theo Thông tư 15, chúng tôi chưa thể quyết hoàn thành hạng mục như Thông tư 23 trước đây, mà phải hoàn thành giai đoạn đầu tư mới thực hiện quyết toán hoàn thành. Thời gian gian qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, đề nghị hướng dẫn quyết toán các hạng mục công trình TRTT. Tuy nhiên, sau đó Tổng cuc Lâm nghiệp có văn bản phúc đáp nhưng nội dung không rõ ràng. UBND tỉnh yêu cầu quỹ và các ban, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp, tháo gỡ vướng mắc để thực hiện đúng theo quy định” – ông Đức cho biết.
Cần giám sát chặt chẽ
Đoàn công tác Sở NN&PTNT vừa kiểm tra thực tế công tác TRTT ở những công trình đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Kết quả đánh giá, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh đã và đang thực hiện 2 công trình TRTT, bao gồm hơn 65ha trồng từ năm 2014, đã kết thúc thời gian kiến thiết cơ bản thì tỷ lệ sống đạt 71,5%; hơn 102,6ha trồng từ năm 2020, đang thời gian kiến thiết cơ bản có tỷ lệ cây sống 72,02% (lô L2/khoảnh 8/tiểu khu 304).
Trong khi đó, khi đoàn công tác kiểm tra 3 lô công trình hơn 21,1ha trồng từ năm 2015 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang làm chủ đầu tư thì 1 lô tỷ lệ cây sống hơn 69,4%, còn 2 lô không có cây.
Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, việc kiểm tra thực hiện ngẫu nhiên nhưng cũng cho thấy một số công trình không đảm bảo yêu cầu. Bình quân tỷ lệ cây sống khoảng 70 - 72% nhưng có nhiều diện tích chỉ 60%. Để nâng cao tỷ lệ TRTT, chủ rừng cần kiểm tra, có phương án lâm sinh phù hợp để nâng cao tỷ lệ cây sống, đảm bảo chỉ tiêu trồng rừng. Đồng thời, báo cáo công tác chuyển biến rừng kịp thời để cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trồng rừng nói riêng và công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung.
Còn theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam nói, theo Thông tư 15, đối với công trình TRTT nói riêng và trồng rừng nói chung sẽ được thanh toán hoàn thành 100% sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư, nếu tỉ lệ cây sống đạt 85% trở lên. Nếu không trồng rừng bổ sung thì sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư sẽ không thể thực hiện quyết toán hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, các công trình trồng rừng nên đấu thầu trọn gói, đảm bảo hiệu quả công tác trồng, chăm sóc rừng; không nên chia nhỏ ra từng công trình sẽ khó trong công tác thanh toán. Giống TRTT phải trồng các loại cây bản địa phù hợp điều kiện tự nhiên, đất đai, giúp cây sinh trưởng tốt.
“Chi Cục Kiểm lâm Quảng Nam nên tính toán đến việc xây dựng hệ thống giám sát TRTT để làm cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả dự án đã và đang triển khai” – ông Bửu nhấn mạnh.
Quảng Nam giao kế hoạch TRTT cho các chủ rừng thực hiện năm 2022
Để hoàn thành kế hoạch TRTT đối với diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác do các chủ dự án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, UBND tỉnh vừa giao kế hoạch trồng rừng cho các đơn vị thực hiện trong năm 2022. Cụ thể, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, diện tích giao trồng tối thiểu hơn 9,2ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My, diện tích giao trồng tối thiểu 9ha.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm và thiết kế trồng rừng trên diện tích đất trống, phù hợp quy hoạch và đảm bảo diện tích thiết kế trồng rừng tối thiểu bằng diện tích được giao tại Công văn 4450.
TRẦN HỮU