(QNO) - Tại TP.Tam Kỳ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam vừa phối hợp với Tổ chức Vietnam Health Improvement Projects (VNHIP) tổng kết dự án “Tăng cường tiếp cận thông tin và chăm sóc HIV cho nhóm khó tiếp cận và nhóm có nguy cơ cao tại Miền Trung Tây Nguyên Việt Nam” giai đoạn 2022 - 2023.
Tham dự có ông Lê Quang Khanh - Giám đốc quốc gia Tổ chức VNHIP; ông Nguyễn Văn Song - đơn vị tư vấn đánh giá độc lập dự án, lãnh đạo CDC Quảng Nam cùng đại diện 33 trạm y tế xã của 2 huyện Tiên Phước và Đại Lộc.
Dự án được triển khai tại 2 huyện Đại Lộc và Tiên Phước bắt đầu từ tháng 8/2022 đến nay. Qua thời gian triển khai, dự án tổ chức tập huấn cho 37 cán bộ chuyên trách HIV của y tế huyện và xã, 220 nhân viên y tế thôn, cộng tác viên về kỹ năng tư vấn và giáo dục sức khỏe về phòng chống HIV/AIDS.
Đồng thời tập huấn về tự chăm sóc bản thân, dinh dưỡng, tuân thủ phác đồ điều trị, phòng chống lây nhiễm người thân và cộng đồng cho 56 người nhiễm HIV; khám, tư vấn, sàng lọc 216 người nhóm khó tiếp cận và nguy cơ cao; định lượng vi rút cho 56 người nhiễm HIV và phát hiện 3 trường hợp dương tính; 12 nghìn tờ rơi được phân phát trong lễ mít tinh nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (ngày 1 - 2/12/2022); 67 người có HIV đang điều trị được hỗ trợ chi phí đi lại nhận thuốc…
Ông Lê Quang Khanh, Giám đốc quốc gia VNHIP đánh giá cao kết quả dự án đạt được. Ông nhấn mạnh, dự án thành công và bền vững chính là nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nỗ lực của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên 2 huyện, tinh thần tự nguyện của cộng đồng và sự chỉ đạo sát sao của CDC Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Song - đơn vị tư vấn đánh giá độc lập dự án cho biết: “Tư vấn trong tuân thủ điều trị, tâm lý và tự chăm sóc sức khỏe là các yếu tố then chốt trong việc giảm tỷ lệ tử vong sớm và lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, việc triển khai tập huấn, phổ biến, cập nhật kiến thức cho già làng, trưởng bản và cán bộ y tế cơ sở là việc làm cần được triển khai thường xuyên sau khi dự án kết thúc. Việc này đòi hỏi sự hỗ trợ phối hợp của các cấp chính quyền từ thôn, các cơ sở y tế xã, huyện và tỉnh Quảng Nam. Mô hình dự án cần được tiếp tục nhân rộng và triển khai ở các khu vực người dân có nguy cơ cao về nhiễm HIV”.
Theo thống kê của CDC Quảng Nam, toàn tỉnh hiện đang có 512 người nhiễm HIV, số người đang điều trị ARV là 478 (Bệnh viện Đa khoa: 465 người, Bệnh viện Phụ sản - Nhi là 13); trong đó Tiên Phước 53, Đại Lộc 41 người.