Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan dân cử

NGUYỄN HOÀNG MINH 27/12/2016 09:58

Quốc hội và HĐND đều là cơ quan dân cử, có quan hệ mật thiết với nhau, giống nhau cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan dân cử là điều quan trọng, nhằm thể hiện vai trò đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân.

Thường trực HĐND tỉnh (khóa IX) làm việc tại huyện Hiệp Đức. Ảnh: VĂN SỰ
Thường trực HĐND tỉnh (khóa IX) làm việc tại huyện Hiệp Đức. Ảnh: VĂN SỰ

Phối hợp hiệu quả

Trong thời gian qua, mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam và Thường trực HĐND tỉnh đã có sự gắn kết chặt chẽ. Về phía mình, HĐND tỉnh luôn tuân thủ những chủ trương, đường lối, chính sách do Quốc hội ban hành, coi đây là nguyên tắc, yếu tố quyết định đảm bảo chất lượng và hiệu quả cho mọi hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ thông qua các báo cáo hoạt động định kỳ quý, 6 tháng và hằng năm; báo cáo theo yêu cầu từ các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời phối hợp tiếp xúc cử tri; phối hợp với đoàn giám sát, khảo sát của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh…

Tuy nhiên, trong một số hoạt động, mối quan hệ này vẫn còn những nội dung cần được quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tránh trùng lặp. Hiện nay, các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cũng như của HĐND được pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau trong một số hoạt động về tiếp xúc cử tri, giám sát, xử lý đơn thư của công dân…, dẫn đến chồng chéo giữa các cấp trong hoạt động. Chính vì vậy, công tác phối hợp thời gian đến cần được các cơ quan chú trọng tăng cường hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để các bên liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách nhịp nhàng, thống nhất và đem lại hiệu quả cao.

Theo xu hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương, cần cân nhắc, thận trọng trong việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý mang tính ràng buộc, chi phối giữa các cơ quan dân cử để không đi ngược lại xu hướng tiến bộ này. Do vậy, mối quan hệ phối hợp ở đây cần được hiểu là sự phối hợp chặt chẽ về tổ chức, triển khai thực hiện chức năng giám sát và quyết định trên cùng địa bàn, lĩnh vực, là sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc về chuyên môn, nghiệp vụ để cơ quan dân cử địa phương vừa làm tốt vai trò, vừa đúng với vị trí là cơ quan đại diện cho người dân ở mỗi cấp chính quyền.

Đến nay, vị trí, vai trò, chức năng và quy trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, HĐND được quy định cụ thể tại Hiến pháp, các văn bản luật, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND... Mặc dù hệ thống pháp lý liên quan đến các văn bản hướng dẫn dưới luật đến nay chưa có, chưa rõ. Song, nếu mỗi đại biểu, cơ quan dân cử chuyên trách và văn phòng tham mưu thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các chức năng, nhiệm vụ theo quy định thì sẽ phát huy hiệu quả hoạt động phối hợp. Vấn đề quan trọng hiện nay là triển khai thực hiện các quy định của pháp luật đã có như thế nào để đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Nâng cao kỹ năng hoạt động

Bên cạnh mối quan hệ phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cần giữ vai trò đầu mối điều hòa, phối hợp, tạo sự gắn kết thông suốt trong các hoạt động của HĐND ở địa phương. Mối quan hệ ở đây là sự phối hợp chặt chẽ về tổ chức, triển khai thực hiện chức năng giám sát và quyết định trên cùng địa bàn, lĩnh vực; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc về chuyên môn nghiệp vụ để các cơ quan dân cử địa phương vừa làm tốt vai trò, vừa đúng với vị trí cơ quan đại diện cho người dân ở mỗi cấp chính quyền.

Cơ quan chuyên trách HĐND các cấp hoạt động tương đối độc lập nên Thường trực, các ban của HĐND tỉnh chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, phối hợp. Cụ thể, HĐND tỉnh giữ mối quan hệ với HĐND cấp huyện thường xuyên trong việc phối hợp các hoạt động giám sát, mời tham dự kỳ họp HĐND, tổ chức giao ban định kỳ (2 lần/năm), xét thi đua khen thưởng hàng năm, tổ chức tập huấn kỹ năng hoạt động và giao ban Thường trực HĐND tỉnh - huyện tối thiểu mỗi năm 1 lần… Xa hơn, mối quan hệ giữa Thường trực HĐND tỉnh với HĐND cấp xã dường như còn mờ nhạt. Các hoạt động phối hợp chủ yếu được thông qua việc mở các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND cấp xã, hướng dẫn việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu.

Vì vậy, trong xu thế đổi mới hiện nay, với yêu cầu ngày càng cao về vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và HĐND tỉnh  nói riêng, Thường trực HĐND các cấp sẽ có sự chủ động nhất định trong việc chú trọng mối quan hệ phối hợp với HĐND các cấp trên địa bàn. Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh giữ vai trò đầu mối phối hợp hoạt động, tạo sự gắn kết chặt chẽ, thông suốt giữa HĐND các địa phương. Hoạt động phối hợp giữa HĐND các cấp dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để mỗi cơ quan hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

NGUYỄN HOÀNG MINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan dân cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO