(QNO) - Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh (PCCC và CNCH) có văn bản đề nghị thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các địa phương tăng cường công tác PCCC và phòng chống tai nạn đuối nước.
Theo Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của hiện tượng El Nino, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, nắng nóng gay gắt, diện rộng hơn năm 2022 - là một trong những năm nắng nóng kỷ lục.
Tại Quảng Nam, nhiều ngày qua đã xuất hiện nắng nóng cao trên 40 độ C ở một số địa phương. Nhu cầu sử dụng điện tăng dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại cơ sở, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nếu không chủ động phòng ngừa, xảy ra cháy gây hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thời gian nghỉ hè, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động vui chơi, nhất là tại các khu vực ao, hồ, sông, suối, bãi tắm... không có sự giám sát của gia đình rất dễ xảy ra nguy cơ tai nạn đuối nước.
Tăng cường phòng cháy chữa cháy
Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND địa phương, Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Tiếp tục rà soát, triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác này.
Ban chỉ đạo yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác PCCC và CNCH. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong PCCC và CNCH, nhất là tại địa bàn dân cư có nguy cơ cháy cao, các khu, cụm công nghiệp, chợ...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, nhất là tại địa bàn, cơ sở trọng điểm, khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar... Kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện an toàn PCCC và an ninh trật tự. Chủ động các phương án huy động lực lượng, phương tiện tham gia xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
Ban chỉ đạo yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền PCCC rừng. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chủ rừng thực hiện các giải pháp PCCC rừng; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC rừng theo quy định.
Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị điện lực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn PCCC điện sau công tơ tại các cơ sở, hộ gia đình có nhà để ở, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra hệ thống điện, nhất là đường dây dẫn điện, tổ hợp công tơ điện, trạm biến áp tại khu dân cư để phát hiện và khắc phục kịp thời các tồn tại, thiếu sót gây mất an toàn PCCC; kịp thời xử lý các sự cố cháy, sự cố điện trên đường dây dẫn điện.
Các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Rà soát các địa điểm xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, điểm chữa cháy công cộng theo quy định.
Vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy và mỗi gia đình ít nhất có một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Hướng dẫn 100% nhà từ 2 tầng trở lên có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Chủ động phòng chống đuối nước
Ban chỉ đạo yêu cầu Sở GD-ĐT thực hiện hiệu quả tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ các quy định về PCCC, phòng chống sự cố, tai nạn cho cán bộ giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, nhất là phòng chống tai nạn đuối nước, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình về quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các nguy cơ và biện pháp phòng chống đuối nước trẻ em. Vận động, khuyến khích các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố, tai nạn đuối nước trên địa bàn để chủ động biện pháp phòng ngừa, khắc phục và lắp đặt các thiết bị, biển cảnh báo đề phòng sự cố, tai nạn đuối nước xảy ra. Chủ động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Đồng thời vận động xã hội hóa xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh và các nguồn nước mở an toàn để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em.