Tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm

LÊ QUÂN - AN MINH 14/01/2021 19:00

Việc triển khai quản lý, theo dõi, điều trị khám chữa bệnh tại tuyến xã đối với nhóm bệnh không lây nhiễm tại Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc sử dụng thuốc điều trị lẫn phân tuyến các dịch vụ kỹ thuật cho người mắc các bệnh này vẫn còn nhiều bất cập.

Điều trị các nhóm bệnh không lây nhiễm đòi hỏi thời gian dài. Ảnh: X.H
Điều trị các nhóm bệnh không lây nhiễm đòi hỏi thời gian dài. Ảnh: X.H

Nội dung nêu trên được đưa ra tại Hội nghị Truyền thông về bệnh không lây nhiễm do Viện Pasteur Nha Trang phối hợp cùng Sở Y tế tổ chức.

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) còn gọi là bệnh mạn tính không lây, tập trung vào 4 nhóm bệnh chính là tăng huyết áp (THA) bệnh tim mạch (đột quỵ, suy tim, bệnh mạch vành…), đái tháo đường (ĐTĐ), các bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Đây là các bệnh đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời. Các bệnh này không phải do nguyên nhân nhiễm khuẩn và không lây truyền giữa người với người mà do các hành vi thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Nguyên nhân tử vong hàng đầu

Ông Lê Xuân Huy - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, BKLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, cũng là một trong những thách thức về sức khỏe chủ yếu trong giai đoạn này. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong năm 2016, BKLN gây ra 71% (41 triệu người) trong tổng số 57 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, BKLN cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do BKLN và chủ yếu do các bệnh tim mạch, ĐTĐ, ung thư và COPD. Năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh KLN chiếm 77% và 44% số tử vong do BKLN là trước 70 tuổi.

Bên cạnh đó, các BKLN còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài. Các tác nhân về biến đổi môi trường, toàn cầu hóa, đô thị hóa, đặc biệt là nguyên nhân do lối sống thiếu khoa học, thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động thể lực ăn uống không hợp lý  đã làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.

Thống kê của ngành Y tế chỉ ra rằng, tại Việt Nam, vẫn có 45% nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu. Bên cạnh đó, tỷ lệ người thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn quá nhiều chất béo, nhiều muối, thiếu vận động thể lực.

Đề cao vai trò y tế cơ sở

Theo khuyến cáo từ ngành y tế, để phòng chống BKLN, cần hạn chế lượng đường tự do dưới 10% (tốt hơn là dưới 5%) tổng năng lượng ăn vào. Cũng như giảm một nửa lượng muối ăn hàng ngày để phòng chống THA và bệnh đột quỵ. Kiểm soát cân nặng để duy trì cân nặng nên có ở mức tương đương BMI =21 ở người dưới 50 tuổi và BMI = 22 ở từ 55 tuổi trở lên và không bị béo bụng (vòng eo < 90cm ở nam và < 80cm ở nữ). Duy trì lối sống tích cực thường xuyên hoạt động thể lực mức độ vừa hoặc nặng ít nhất 30 phút mỗi ngày; hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá...

Tại Quảng Nam, từ năm 2018 đến nay, các trạm y tế đã tổ chức khám sàng lọc bệnh ĐTĐ cho hơn 9.000 lượt người, phát hiện điều trị cho hơn 506 ca và hơn 2.400 người tiền ĐTĐ. Đối với bệnh THA, khám sàng lọc cho hơn 8.400 lượt người và phát hiện gần 2.200 ca THA.

Đối với hệ thống khám chữa bệnh các tuyến, đã phát hiện và điều trị hơn 49.000 người mắc bệnh THA và 27.200 người mắc bệnh ĐTĐ. So với điều tra của quốc gia, tỷ lệ phát hiện và quản lý còn thấp.

Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết, khó khăn về nhân lực y tế thôn bản dẫn đến hiệu quả của việc quản lý phòng chống BKLN ở địa phương bị hạn chế.

Còn ông Chờ Rum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang nói, theo quy định, việc chỉ định kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân mắc ĐTĐ tại trạm y tế cần phải có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, đối với y tế tuyến xã, việc có bác sĩ là điều quá khó khăn. Chưa kể, hệ thống báo cáo, giám sát bệnh vẫn còn chưa được trang bị, đa số các đơn vị y tế chưa có trang thiết bị, vật tư thiết yếu phục vụ cho hoạt động dự phòng, phát hiện, tư vấn và quản lý bệnh...

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh cho biết, mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2025, sẽ có 95% trạm y tế thực hiện công tác quản lý và điều trị các BKLN trong cộng đồng. Thời gian tới, đối với nhóm BKLN nằm trong chương trình mục tiêu y tế - dân số của tỉnh, ngành y tế sẽ tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc tại cơ sở cũng như đào tạo, tập huấn chuyên môn cho các nhân viên y tế thôn bản... Giải pháp tăng cường quản lý BKLN hiện nay, theo các chuyên gia, chính là phải tập trung cho y tế cơ sở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO