(QNO) - Sở Y tế vừa có công văn tăng cường công tác phòng chống bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng cảnh báo, tại khu vực các tỉnh miền Trung, từ đầu tháng 10.2020 đến nay ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Sau mưa lũ, môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Dự báo trong thời gian tới nguy cơ sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.
Con người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và bề mặt nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh hiếm khi lây truyền từ người sang người nhưng công tác phòng tránh bệnh Whitmore vẫn cần được đảm bảo.
Theo thống kê của Bệnh viện Trung ương Huế, tình trạng bệnh nặng phải hồi sức tích cực hiện chiếm đến 50%. Bệnh Whitmore gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, cả nam và nữ, thường thấy ở những đối tượng có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất và nước. Bên cạnh đó, bệnh Whitmore cũng hay gặp ở người có các bệnh mãn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch lâu ngày...
Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đa dạng với những triệu chứng như lở loét da, lên cơn sốt (nhiều kiểu sốt bao gồm sốt cơn, sốt kèm theo lạnh run hoặc sốt kéo dài), viêm đường tiết niệu, viêm phổi, suy hô hấp, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, để chủ động phòng chống bệnh Whitmore trên địa bàn Quảng Nam đạt hiệu quả, sở đã yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh để lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và đối tượng nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh để người dân hiểu và chủ động thực hiện. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất cần thiết, thu dung cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát phòng chống dịch bệnh, chuẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Được biết, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ hỗ trợ trực tiếp hoặc tư vấn cho các đơn vị qua hệ thống Health center.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh...