Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay lúa hè thu đang ở giai đoạn đòng, một số trà lúa sạ sớm đã trổ. Hiện tại, bướm sâu cuốn lá nhỏ đã bắt đầu xuất hiện rải rác trên đồng ruộng, lứa sâu này sẽ tập trung gây hại lá đòng giai đoạn lúa trổ ở đầu tháng 8.2020, nhất là trên lúa trà muộn.
Do vậy, nông dân phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1 – 3). Khi phát hiện sâu với mật độ 20 con/m2 trở lên thì tiến hành dùng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như Virtako 40WG, Angun 5-WG, Proclaim 1.9EC… để phun trừ ngay trước khi lúa trổ.
Cùng thời điểm này, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã phát sinh diện rộng và sẽ gây hại mạnh cho lúa trong thời gian tới. Do đó, các địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại, phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các ổ rầy cục bộ. Khi phát hiện rầy có mật độ trung bình từ 2 – 3 con/dãnh lúa (khoảng 1.000 – 2.000 con/m2) thì dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Chess 50WG, Alika 247SC… để phun trừ.
Bà con nông dân cần kiểm tra và theo dõi sâu đục thân trên lúa hè thu trà muộn, bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép thối hạt trên các giống lúa nhiễm như BC15, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, TBR225… để có biện pháp quản lý kịp thời, hiệu quả.