(QNO) - Bán hàng trực tiếp (hay bán hàng đa cấp - BHĐC) tuy chỉ mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam chừng 10 năm nay nhưng hiện có hơn 60 công ty và 1 triệu người tham gia, nộp ngân sách nhà nước năm 2012 đạt 520 tỷ đồng. Chính vì vậy, cần có những giải pháp phối hợp hiệu quả hơn trong công tác quản lý và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành BHĐC tại Việt Nam. Đó là nội dung của hội "Công tác quản lý nhà nước đối với ngành BHĐC" tại Đà Nẵng ngày 14.5
Hội thảo được tổ chức tại Khách sạn Grand Mercure Đà Nẵng do Sở Công thương Đà Nẵng phối hợp cùng Công ty Amway Việt Nam, với sự tham dự của đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), đại diện Sở Công thương các tỉnh, thành, các Chi cục Quản lý thị trường và Hiệp hội BHĐC Việt Nam.
Ông Phan Đức Quế, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh trình bày tổng quan về ngành BHĐC trên thế giới và tại Việt Nam. Theo ông Quế, BHĐC là một phương thức tiếp thị trực tiếp để bán lẻ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng (NTD) thông qua mạng lưới nhà phân phối. Đây là mô hình kinh doanh tiên tiến, hiện đang phát triển mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, với hơn 30.000 công ty áp dụng việc phân phối hàng hóa theo mô hình BHĐC. Thống kê của Hiệp hội Bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA) năm 2011, tổng số người tham gia ngành BHĐC trên thế giới gần 92 triệu người, doanh số 153,7 tỷ USD, riêng Châu Á là doanh thu 66 tỷ USD với 52 triệu người tham gia.
Tại Việt Nam, mô hình BHĐC đã được pháp luật thừa nhận, theo đó công ty thực hiện hoạt động BHĐC phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Tuy chỉ mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam hơn 10 năm qua, ngành BHĐC đã có những bước phát triển đáng kể với hơn 87 doanh nghiệp đăng ký và hiện có 60 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 17 doanh nghiệp “mới ra lò”, rải khắp các tỉnh thành nhưng tập trung ở TP.HCM và Hà Nội với hơn 1 triệu người tham gia. Doanh số BHĐC năm 2012 là hơn 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 520 tỷ đồng. Với sự phát triển khá "nóng” này, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành BHĐC ngày càng quan trọng, nhằm đảm bảo việc tuân thủ đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử và các quy định của pháp luật để mô hình BHĐC phát triển lành mạnh, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD. Trên thực tế, nhiều công ty BHĐC đăng ký hoạt động nhưng không có địa chỉ, trụ sở giao dịch tại các tỉnh thành như Nghệ An chỉ có 11 công ty có địa chỉ trên tổng số 28 công ty có mạng lưới nhà phân phối trên địa bàn.
Kinh doanh BHĐC phần nhiều là kinh doanh qua mạng hay truyền miệng, NTD nhiều khi “dính đòn” mà không biết kêu ai, lực lượng Quản lý thị trường khó bề giám sát cũng như kiểm tra, chất lượng sản phẩm được rao bán, xử lý vi phạm một cách triệt để. Mức phạt vi phạm BHĐC không xin phép hiện nay chỉ từ 20-30 triệu đồng không đủ răn đe, tác động xấu đến doanh nghiệp BHĐC chân chính, ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng xã hội. Mức ký quỹ 1 tỷ đồng kinh doanh BHĐC tuy lớn nhưng sẽ không đủ chi phí bồi thường thiệt hại do hoạt động BHĐC gây ra... Vì vậy, các đại biểu Hội thảo nhất trí với 2 giải pháp chính là: tiếp tục hoàn thiện pháp luật về BHĐC tại Việt Nam trên cơ sở Luật Cạnh tranh và sửa đổi các Nghị định 110/2005 về quản lý BHĐC hạn chế một số tiêu cực đang tồn tại; tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về BHĐC cho NTD.
Ông How Kam Chiong, Tổng giám đốc Công ty Amway Việt Nam cho biết: "Việc đánh giá lại chặng đường phát triển của ngành BHĐC trong những năm qua, đồng thời thảo luận về những giải pháp quản lý ngành sẽ là góp phần vào sự phát triển lâu dài của ngành BHĐC trong tương lai. Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các cơ quan quản lý đối với Amway Việt Nam trong thời gian qua, đã giúp chúng tôi định hướng công việc kinh doanh lâu dài và mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng”.
Amway Việt Nam được thành lập vào tháng 4.2008 với vốn điều lệ 17 triệu USD và vốn đầu tư 24,8 triệu USD, là thành viên của Tập đoàn Amway (Mỹ) - một trong những công ty hàng đầu về BHĐC hoạt động trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 3 triệu nhà phân phối đạt doanh thu 11,3 tỷ USD năm 2012. Trong 5 năm qua, Công ty luôn chú trọng mở rộng kinh doanh tại các tỉnh thành trong cả nước, với 1 nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, 8 chi nhánh và trung tâm phân phối, 2 cửa hàng và 2 trung tâm huấn luyện. Amway Việt Nam có hơn 400 nhân viên và mạng lưới phân phối hiện nay hơn 300.000 người, chiếm hơn 30% thị phần BHĐC trong nước. Công ty sản xuất và kinh doanh đa dạng các sản phẩm cao cấp mang nhãn hiệu Amway thuộc các dòng sản phẩm như: Dinh dưỡng & sức khỏe ( bao gồm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng NUTRILITE); sản phẩm chăm sóc da cao cấp ARTISTRY; sản phẩm chăm sóc cá nhân như sản phẩm dưỡng thể G&H, chăm sóc tóc SATINIQUE...Đặc biệt, chương trình Vì trẻ em “Amway One by One” đã đóng góp hơn 8,4 tỷ đồng giúp đỡ hơn 4.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước có cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Năm 2013 này, Amway sẽ đầu tư 30 triệu USD xây dựng thêm nhà máy thứ 2 tại Bình Dương hướng tới sự phát triển bền vững về BHĐC tại Việt Nam”. Ông How Kam Chiong nhấn mạnh.
Thanh Bình