(QNO) - Nhu cầu sử dụng rượu trong dịp tết tăng cao, trong khi đó nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu ngâm dược liệu, thảo mộc trôi nổi trên thị trường là nỗi lo cho người tiêu dùng.
Rượu ngâm thảo dược được quảng cáo trên mạng. |
Năm 2018, tại địa bàn miền núi Nam Giang và Nam Trà My xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu làm 6 người tử vong và nhiều người khác phải nhập viện để điều trị.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trên địa bàn tỉnh có nhiều cây dược liệu được người dân thường dùng để ngâm rượu. Tết là thời điểm người dân thường dùng rễ, lá cây thảo mộc để ngâm rượu uống. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công cũng tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Phần lớn người ngâm rượu đều không không nắm rõ công thức nên nguy cơ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Thời điểm này, chỉ cần vào các trang mạng xã hội gõ tìm kiếm “rượu thuốc bán tết” thì rất dễ dàng tìm ra các điểm rao bán rượu trên mạng xã hội. Nhiều sản phẩm rượu ngâm không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng được bán tràn lan.
Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất rượu thủ công rất đơn giản nhưng rất khó quản lý. Nhất là thời điểm tết, rượu ngâm các loại dược liệu, thảo mộc tăng cao do nhu cầu làm quà tặng, người dân tự ngâm uống và chỉ cần có cây dược liệu là có thể ngâm rượu được mà không cần biết tính chất như thế nào.
“Người tiêu dùng khi uống rượu cần biết rõ nguồn gốc của rượu, có cơ quan nhà nước công bố chất lượng. Nếu sử dụng dược liệu thì nên mua tại nhà thuốc được phép kinh doanh dược liệu. Khi ngâm rượu phải nắm rõ quy trình ngâm, chế biến từ khâu chuẩn bị dược liệu và loại bỏ nấm mốc” - ông Cam nói.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Tết Nguyên đán sắp đến, lượng rượu tiêu thụ rất nhiều. Thời gian tới, các ngành chức năng liên quan sẽ quản lý chặt trong lĩnh vực rượu, chống hàng giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tối đa uống rượu ngâm từ các loại thảo dược, động vật không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Năm nay, các ngành chức năng sẽ tăng cường giám sát đến cấp xã nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2018, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam (Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương) đã kiểm tra 11 vụ, xử lý 6 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp, với tổng số tiền thu phạt hơn 11 triệu đồng. Buộc loại bỏ 255 chai rượu các loại xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Men’Vodka.
Tháng 8.2018, Đội Quản lý thị trường chống buôn lậu và hàng giả kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh tại huyện Thăng Bình và phát hiện, tạm giữ 23 chai rượu loại 300ml, 42 chai rượu loại 500ml do Công ty CP Rượu bia nước giải khát Việt Pháp (địa chỉ 680 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) sản xuất. Trên vỏ chai có gắn dấu hiệu gồm chữ “Super Men Vodka VIPRAN.JSC Hà Nội” và hình người đàn ông đội mũ rộng vành, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Men Vodka” và hình đang được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 85346 của Công ty CP Rượu bia nước giải khát AROMA, bị xử phạt số tiền hơn 1,7 triệu đồng.
Ông Lê Cần - đại diện Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, công tác triển khai kiểm tra, kiểm soát để chống hàng giả nói chung và rượu nói riêng được thực hiện thường xuyên, nhất là dịp cuối năm. “Đối với những mặt hàng rượu màu, ngâm trái cây, đơn vị sẽ kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của các loại rượu trên. Một số loại rượu khác có tính xâm phạm tới quyền sở hữu công nghiệp, hàng giả... thì chúng tôi có biện pháp để phân biệt, lấy mẫu kiểm định từ đó có cơ sở xử lý. Đồng thời, người dân cần tự nâng cao ý thức trong việc sử dụng các loại rượu có tem mác, nhãn hiệu rõ ràng, có hóa đơn chứng từ cụ thể, cần kiểm tra hạn sử dụng và các tiêu chí chất lượng có ghi trên vỏ chai, hộp” - ông Cần nói.
MỸ LINH - THANH THẮNG