Tăng cường truyền thông về dịch bệnh đau mắt đỏ đến học sinh

XUÂN HIỀN 19/09/2023 11:43

(QNO) - Trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát ở nhiều địa phương, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo một số biện pháp phòng chống.

Người có triệu chứng đau mắt đỏ kèm sốt cao... nên đến cơ sở y tế để được thăm khám. Ảnh: X.H
Người có triệu chứng đau mắt đỏ kèm sốt cao... nên đến cơ sở y tế để được thăm khám. Ảnh: X.H

Theo Sở Y tế, Quảng Nam hiện ghi nhận nhiều trường hợp tới khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế trên địa bàn, kể cả cơ sở y tế công lập và tư nhân, cơ sở đa khoa và chuyên khoa.

Bệnh đau mắt đỏ là bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có nguy cơ gia tăng và lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt lứa tuổi nhỏ. Nguyên nhân chính là do vi rút Adeno, có đặc tính lây nhiễm cao.

Ngoài những triệu chứng tại mắt, loại vi rút này còn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác như: sốt, nổi hạch trước tai, ho, viêm họng, viêm đường hô hấp trên, phát ban ngoài da. Các triệu chứng có thể kéo dài 7 - 10 ngày.

Sở Y tế đề nghị các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh.

Đặc biệt tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh; thường xuyên làm vệ sinh môi trường, nhất là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh... Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho nghỉ làm việc để tránh lây lan cho người xung quanh và cộng đồng.

Tỷ lệ học sinh bị đau mắt đỏ khá cao hiện nay. Ảnh: M.H
Tỷ lệ học sinh bị đau mắt đỏ hiện nay khá cao. Ảnh: M.H

Sở Y tế cũng đề nghị Sở GD-ĐT tăng cường truyền thông tới học sinh, hội phụ huynh về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp chủ động phòng chống dịch, hạn chế lây lan trong lớp học.

Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm... cần hạn chế tiếp xúc với người khác và hướng dẫn đi khám ngay tại cơ sở y tế, không tự ý điều trị để tránh biến chứng nặng.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho nghỉ học để tránh lây lan cho người xung quanh và cộng đồng. Nếu phát hiện nhiều ca bệnh trong lớp học, trường học cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh.

Bên cạnh đó, thông báo cho trạm y tế, cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn để được hướng dẫn và phối hợp triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để...

Việc phòng ngừa lây bệnh rất quan trọng nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh được khuyến cáo như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng cường truyền thông về dịch bệnh đau mắt đỏ đến học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO