Tăng cường xử lý "xe lôi"

THÀNH CÔNG 03/10/2016 08:55

Trước những hiểm họa từ xe ba gác máy tự chế, “xe lôi” chở hàng cồng kềnh gây ra thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã ra quân xử lý nhằm lập lại trật tự an toàn trên các tuyến đường trọng điểm.

Vi phạm tràn lan

Tình trạng xe ba gác máy tự chế, xe ba bánh (hay còn gọi là “xe lôi”) chở hàng hóa cồng kềnh, đe dọa đến trật tự an toàn giao thông thời gian qua không phải là chuyện hiếm. Gần đây nhất, hai vụ tai nạn thương tâm do xe lôi, xe ba gác chở tôn làm hai người tử vong tại Hà Nội khiến dư luận không khỏi lo ngại trước hiểm họa đến từ loại xe này. Vì vậy, liên tiếp những ngày qua, Phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh đã tập trung lực lượng ra quân, tuần tra kiểm soát các tuyến đường trọng điểm để xử lý đối với xe ba gác máy, xe lôi vi phạm. Riêng trên tuyến quốc lộ 1 qua các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Trạm CSGT Thăng Bình (thuộc Phòng PC67) đã lập biên bản tạm giữ hàng chục chiếc xe lôi, xe ba gác các loại. Theo ghi nhận, tại bãi giữ xe có không ít xe lôi chở tôn, thép với kích thước từ 5 - 6m, máy móc thiết bị cồng kềnh. Cán bộ tại trạm này cho biết thêm, khi bị phát hiện tạm giữ, hầu hết xe lôi đều mắc các lỗi vi phạm nghiêm trọng như không có giấy phép lái xe, chở hàng quá khổ, quá kích thước, không có đăng ký xe theo quy định.

CSGT lập biên bản, xử lý đối với một chiếc xe lôi vi phạm, chở hàng hóa cồng kềnh. Ảnh: T.CÔNG
CSGT lập biên bản, xử lý đối với một chiếc xe lôi vi phạm, chở hàng hóa cồng kềnh. Ảnh: T.CÔNG

Anh Ngô Văn Nh. (trú thôn Kế Xuyên 1, Bình Trung, Thăng Bình), chủ một xe lôi vi phạm bị lực lượng CSGT lập biên bản tạm giữ cho biết, anh mua chiếc xe này với giá hơn 40 triệu đồng từ một cửa hàng ở TP.Tam Kỳ, dùng để chở vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, anh Nh. không có giấy phép lái xe hạng A3 để điều khiển theo quy định và xe không có giấy đăng ký. “Lúc mua xe, tôi không biết loại xe này không được đăng ký lưu hành. Vì lỡ mua rồi nên phải chạy để trang trải cuộc sống chứ kinh phí mua xe là một khoản tiền lớn đối với gia đình” - anh Nh. bộc bạch. Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng PC67, quá trình xử lý vi phạm đối với các chủ xe lôi gặp khá nhiều khó khăn do hầu hết đều là người lao động nghèo, trình độ nhận thức chưa cao. “Đối với các xe lôi chở hàng nông sản của bà con không vượt quá kích thước, chúng tôi đã nhắc nhở, yêu cầu dừng sử dụng loại xe này để chở hàng hóa và vận động bà con chấp hành. Tuy nhiên, với các xe lôi chở quá khổ, quá tải, nhất là chở tôn, thép cồng kềnh, cán bộ CSGT vẫn kiên quyết xử lý để đảm bảo an toàn giao thông” - Thượng tá Hồng nói.

Cấm lưu hành xe lôi chưa đăng ký

Thiếu tá Nguyễn Văn Binh - Đội trưởng Đội tuần tra số 1 (Phòng PC67) cho biết, việc xử lý đối với xe ba gác máy tự chế, xe lôi đã được Phòng CSGT tổ chức triển khai từ đầu năm. Từ tháng 3.2016, Phòng PC67 đã cho lập danh sách các chủ xe lôi tại các địa phương, đồng thời tổ chức gặp mặt, tuyên truyền đối với chủ phương tiện này về các hành vi bị nghiêm cấm như sử dụng xe không có giấy đăng ký, không có giấy phép lái xe hạng A3, chở hàng cồng kềnh. Sau các buổi gặp mặt tuyên truyền, cán bộ CSGT đã tổ chức cho những chủ xe này viết cam kết sẽ chấp hành theo quy định, đồng thời khuyến nghị dừng lưu hành đối với các loại xe chưa đăng ký, đề nghị một số chủ xe chuyển ngành nghề phù hợp với điều kiện gia đình. “Từ thời điểm ký cam kết đến nay, chúng tôi cũng đã nhiều lần ra quân tuần tra, nhắc nhở tuyên truyền đối với các chủ xe. Những xe đang bị tạm giữ do cố tình vi phạm sau khi đã được tuyên truyền, ký cam kết. Quan điểm của CSGT là phải xử lý nghiêm, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng cho chính chủ phương tiện và người tham gia giao thông là trên hết” - Thiếu tá Nguyễn Văn Binh nhấn mạnh.

Các loại xe lôi, xe ba gác máy tự chế đã bị cấm lưu hành từ tháng 6.2008. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn bày bán tràn lan các loại xe này với giá khoảng hơn 30 triệu đồng, tuy nhiên không thể đăng ký. Hiện tại, các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh cũng chưa có lớp đào tạo cấp bằng lái xe hạng A3 cho chủ xe. Do đó lỗi không có giấy phép lái xe và không có đăng ký xe vi phạm phổ biến. Mức phạt đối với lỗi không có giấy phép lái xe được quy định từ 800.000 đồng  đến 1 triệu đồng, lỗi không có giấy tờ đăng ký xe từ 300 đến 400 nghìn đồng. Nếu chở hàng cồng kềnh, cùng với hai lỗi vi phạm trên, chủ xe có thể bị phạt lên đến gần 2 triệu đồng, tạm giữ phương tiện.

Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng, để đảm bảo an toàn, chấn chỉnh triệt để vi phạm đối với các loại xe lôi, xe ba gác máy tự chế, cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra các cơ sở buôn bán loại xe này, xử lý nếu phát hiện vi phạm. “Nhiều người dân do hạn chế về nhận thức nên khi mua về, đến làm thủ tục mới biết không được phép đăng ký. Do đó các ban ngành cần ra quân kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở buôn bán, cung cấp. Đối với các xe đã có giấy đăng ký theo quy định, chúng tôi đề nghị chủ xe học bằng lái xe hạng A3 theo quy định và yêu cầu bà con không được sử dụng các xe lôi không đăng ký. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo để các chủ xe có điều kiện học bằng lái A3” - Thượng tá Hồng nói thêm.

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng cường xử lý "xe lôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO