(QNO) - Trước tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, đầu tư và gây quỹ cho công nghệ xanh và khí hậu được xem là giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững.
Theo báo cáo của trang tin tài chính DealStreetAsia có trụ sở ở Singapore, tại Đông Nam Á - khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu do có đường bờ biển dài và vùng trũng thấp, các công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ xanh huy động vốn từ tháng 7 - 9/2023 với khối lượng giao dịch hằng quý cao nhất của ngành trong ít nhất 5 năm qua.
Trong số đó, 16 công ty khởi nghiệp thu về được 140 triệu USD, dẫn đầu là Công ty Tái tạo InterContinental Energy (Singapore) với số vốn huy động 115 triệu USD từ Quỹ đầu tư GIC và nhà đầu tư tập trung vào ngành công nghiệp hydro sạch Hy24.
Các công ty quản lý chất thải Blue Planet Environmental Solutions tại Singapore và Rekosistem tại Indonesia cũng nằm trong số đơn vị ấn tượng về gây quỹ công nghệ khí hậu.
Công ty công nghệ nước thải xanh Hydroleap của Singapore vừa huy động thành công 4,4 triệu USD. Climate Alpha - nền tảng phân tích được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo thu về 5 triệu USD.
Ông Paul Ong - đối tác tại Công ty Liên doanh Innoven Capital cho biết, dù Innoven Capital không có bất kỳ quỹ xanh nào nhưng công ty luôn đầu tư vào công nghệ phù hợp với khí hậu như phương tiện di chuyển bằng điện, tính bền vững của thực phẩm và nền kinh tế tuần hoàn.
Năm ngoái, nhiều quỹ tập trung vào khí hậu xuất hiện ở châu Á và Đông Nam Á để hỗ trợ các doanh nhân xây dựng giải pháp nhằm giảm thiểu những thách thức liên quan đến khí hậu.
Như Công ty Đầu tư mạo hiểm TRIREC của Singapore công bố quỹ khí hậu trị giá 100 triệu USD với sự hợp tác của Công ty Công nghệ năng lượng Thái Lan Innopower. Hay Radical Fund công bố lần đầu đóng quỹ khí hậu Đông Nam Á trị giá 40 triệu USD.
Tháng 12 năm ngoái, nhà xây dựng liên doanh công nghệ khí hậu Wavemaker Impact của Singapore huy động mức đầu tư 60 triệu USD trong khi British International Investment có trụ sở tại Vương quốc Anh đầu tư vào 3 quỹ tài chính khí hậu riêng biệt tập trung vào châu Á.
Tháng 11/2203, Công ty ResponsAbility Investments của Thụy Sĩ công bố chiến lược đầu tư khí hậu trị giá 500 triệu USD và Công ty Quản lý tài sản Edelweiss Capital Group cũng có trụ sở tại Thụy Sĩ ra mắt quỹ cổ phần tư nhân trị giá 150 triệu USD để thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu ở châu Á.
Nhà quản lý quỹ tác động toàn cầu LeapFrog Investments đạt được cam kết từ nhà đầu tư nhà nước Singapore Temasek và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho chiến lược khí hậu trị giá 500 triệu USD nhắm vào châu Á và châu Phi.
Nhiều nhà đầu tư nhận định, công nghệ khí hậu tiếp tục là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu.
Ông Mike Lim - đối tác tại TRIREC cho biết: "Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào thúc đẩy tăng trưởng các dự án năng lượng mặt trời và gió trong khu vực Đông Nam Á, trong đó các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu về năng lực năng lượng tái tạo.
Điện khí hóa cũng là một không gian thú vị để theo dõi. Nhiều công nghệ hoạt động bằng điện vẫn còn đắt đỏ và cần có sự đổi mới để duy trì chi phí hợp lý và đưa những công nghệ này đến gần hơn với việc áp dụng đại trà".