Tang điền thương hải

ĐĂNG QUANG 26/10/2013 07:57

“Tang điền biến vi thương hải”, nôm na là chuyện ruộng dâu biến thành biển xanh. Đó cũng là câu khiến chúng ta suy ngẫm về cái lẽ không có gì vĩnh viễn đứng yên mà luôn chuyển động, biến dời, như dòng đời vậy.

Trở lại với chuyện bãi bể nương dâu. Lở bồi là khúc ngâm của những dòng sông. Với biển, mỗi một ngày, thậm chí hàng giờ, chỗ này bồi lên, chỗ kia thì lở. Riêng vùng đất Quảng, mấy năm trở lại đây, biển xâm thực mạnh, trở thành câu chuyện đáng cảnh báo.

Ở phía bắc của Quảng Nam, biển xâm thực khu vực Cửa Đại (Hội An), sóng cuốn sập đổ cả những bờ chắn của các khu du lịch. Nơi dòng sông gặp biển, luồng lạch cũng biến thiên khó lường. Ai có đi tàu mỗi khi ra vào cửa biển mới thấy. Dòng sông Thu ở đoạn gần xuôi ra cửa biển, những An Lương, Trung Phường, Triêm Tây, Triêm Nam… cũng đối diện với tình trạng xói lở. Sát biển, Phước Trạch, Phước Hải, mỗi mùa bão lũ đến, sóng dâng cao, gió gầm gào, người dân phải chạy lên chỗ khác để trú tạm.

Ở phía nam, những năm trước, bờ biển Tam Thanh, Tam Tiến đều bị đe dọa bởi tình trạng biển xâm thực. Nặng nhất là khu vực từ Cửa Lở An Hòa vào các làng của Tam Hải, Tam Quang (Núi Thành), biển xâm thực, nuốt chửng hàng chục mét đất liền mỗi năm. Bãi Bà Tình, Bãi Lăng của xã Tam Quang, từng là bãi tắm đẹp với chiều rộng cả trăm mét nay đã bị sạt lở nặng nề. Hay ở An Hải Đông, xã Tam Quang, nước biển đã ăn sâu vào bờ, có chỗ sóng biển khoét những hàm ếch, làm cho bờ chênh vênh như vực thẳm.

Nạn biển lở kéo theo nhiều hệ lụy. Thiệt hại kinh tế là rõ rồi. Đáng sợ hơn là tính mạng của con người sống bên biển. Thử tưởng tượng nhà ở bên biển, một đêm biển gào thét, ầm một cái trụi trơ, người dân bơ vơ biết dựa vào đâu.

Xem ra các địa phương sở tại thiếu nguồn tài chính để xây kè. Điều đó còn bàn. Người ta cũng từng biết việc quai đê lấn biển có từ lâu rồi. Trên thế giới cũng có nhiều nước đã làm thành công. Nhớ chuyến đi Singapore, người ta thuyết minh việc xây kè, hút cát bơm vào để mở rộng đảo quốc này. Ở xứ ta, Hòn Tằm (Nha Trang) là một ví dụ cho việc xây dựng đảo, hút cát để tạo thành bãi biển nhân tạo gắn với hệ thống kè chắn sóng đắc dụng. Tuy nhiên liệu xây kè có là giải pháp duy nhất hữu hiệu, bền vững không thì cần phải suy ngẫm. Các nhà khoa học, chuyên môn cần có những nghiên cứu và khuyến cáo cho địa phương. Kinh nghiệm dân gian cũng chỉ ra rằng việc bảo tồn và phát triển các rừng ngập mặn ven biển, kết hợp trồng cây chắn sóng, chắn gió vùng ven bờ, là giải pháp có tác dụng nhiều mặt. Nó là sự kết hợp hữu hiệu, vừa phát triển tài nguyên rừng, làm giàu môi sinh, sinh thái, tạo nguồn lợi thủy sản và lâm sinh nữa. Còn việc chắn sóng, giúp cho bờ biển bồi tụ cũng rất khả thi. Mũi Cà Mau vươn mình ra biển chính nhờ những cây đước thả hạt, nảy chồi, bám rễ trên chân sóng.

Biển lở, khi con người đã lỡ phá những cánh rừng ven biển.

Biển lở, nước biển dâng, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, dòng đời còn trôi biết bao mồ hôi và nước mắt.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tang điền thương hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO