Dự thảo đề án “Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong các cơ sở y tế công lập của Quảng Nam” sẽ được trình tại kỳ họp HĐND cuối năm 2019. Qua nhiều lần lấy ý kiến, cơ bản các sở ngành đều đồng tình với phương án tăng giá này.
Đề án “Giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán BHYT” được triển khai nhằm thực hiện bình đẳng về mức chi trả, chất lượng dịch vụ và chăm sóc y tế cho tất cả đối tượng. Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay toàn tỉnh còn khoảng 6% dân số - tương đương 90 nghìn người dân - chưa tham gia BHYT, những người này khi đau ốm phải trả 100% viện phí theo quy định về mức giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán BHYT theo nghị quyết được ban hành năm 2017 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, mức giá này không còn phù hợp với lộ trình tăng mức lương cơ sở và các yếu tố khác cấu thành vào giá dịch vụ. “Việc điều chỉnh tăng khung giá lần này một phần do điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và chi phí tính theo quỹ lương cho người lao động. Đảm bảo công bằng với các đối tượng ngoài tỉnh có nhu cầu đến khám chữa bệnh tại Quảng Nam khi thực hiện chủ trương thông tuyến kỹ thuật của ngành y tế” - ông Mai Văn Mười nói.
Theo dự thảo đề án, giá tối đa dịch vụ khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 là 38.700 đồng, hạng 2 là 34.500 đồng, hạng 3 là 30.500 đồng, hạng 4 là 27.500 đồng, trạm y tế xã 27.500 đồng; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, định kỳ là 160 nghìn đồng... Tổng cộng có 1.937 dịch vụ kỹ thuật sẽ được áp mức giá theo đề án này. So sánh mức giá áp dụng theo đề án và mức giá cũ được thông qua hồi năm 2017 có 48 danh mục dịch vụ kỹ thuật giảm, có 1.788 danh mục tăng ở mức 10%, có 1.188 danh mục tăng ở mức dưới 5%. Mức giá này được áp bằng mức giá của Thông tư 13 sửa đổi quy định giá khám chữa bệnh BHYT và Thông tư 14 sửa đổi giá tối đa khi khám chữa bệnh không có BHYT, ban hành hồi tháng 7.2019 của Bộ Y tế. Đối tượng áp dụng ngoài người bệnh chưa có thẻ BHYT còn có những người có thẻ BHYT nhưng đi khám chữa bệnh ngoài tuyến, không thuộc phạm vi thanh toán BHYT.
Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2019 tổng số giường bệnh kế hoạch của các cơ sở khám chữa bệnh công lập là 5.550 giường; công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh đạt 140%, tuyến huyện 115%. Chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở được nâng lên đáng kể. Để nâng cao chất lượng khám và điều trị, trang thiết bị kỹ thuật cao đã được đầu tư mua sắm cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh như máy chụp cộng hưởng từ MRI, máy chụp cắt lớp CT scan 32 - 64 lát cắt, hệ thống thăm dò điện sinh lý tim, hệ thống mổ nội soi, hệ thống sàng lọc máu bằng công nghệ NAT. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đã triển khai được khoảng 80% các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế và một số kỹ thuật dịch vụ của bệnh viện hạng 1. Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao được triển khai ở các bệnh viện tuyến tỉnh; các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, thị xã, thành phố đảm nhận được 70 - 80% số dịch vụ theo phân tuyến hạng III, trung bình có 8 - 10 danh mục kỹ thuật mới được triển khai hàng năm góp phần làm giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến. Sắp tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc sẽ triển khai đề án xây dựng, đầu tư nâng lên thành bệnh viện hạng 1.
Để hoàn thiện dự thảo đề án trước khi trình HĐND thông qua, Sở Y tế, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến góp ý của các sở ngành liên quan. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh, có nhiều đối tượng chưa tham gia BHYT thuộc diện công nhân các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể, một số hộ vừa thoát nghèo tại các vùng khó khăn, miền núi. Nếu những người này tham gia BHYT thì quỹ BHYT của tỉnh mỗi năm sẽ bổ sung thêm khoảng 70 tỷ đồng cho công tác khám chữa bệnh và sẽ hỗ trợ cho việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đồng thời góp phần hạn chế tỷ lệ chuyển tuyến trên và khắc phục tình trạng bội chi quỹ BHYT hiện nay. Việc thực hiện BHYT toàn dân sẽ thúc đẩy đến hộ gia đình kinh doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tuân thủ nghiệm Luật Lao động, Luật BHYT, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động và khuyến khích bộ phận còn lại này thấy được lợi ích của việc tham gia đóng BHYT.
Ông Phan Văn Lễ - cán bộ Sở Tài chính cho rằng, phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh của đề án là phù hợp và sẽ không có tác động lớn đến dư luận, vấn đề an sinh xã hội tại địa phương. “Giá dịch vụ khám áp dụng theo đề án lần này so với giá dịch vụ trước đây đều tăng ở mức thấp, tỷ lệ 92,3% tăng dưới 10%; giá các dịch vụ được giảm và giảm sâu (tỷ lệ 2,47%) theo đề án lần này rơi vào các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm thông thường, thường quy nên dễ được các đối tượng chấp nhận” - ông Lễ nói.
Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cần phải quan tâm, có chế độ hỗ trợ đối với hộ khó khăn vừa thoát nghèo, vùng miền núi, khó khăn. Tương tự, đại diện các Ban Văn hóa xã hội, Kinh tế ngân sách của HĐND tỉnh cho rằng, trên cơ sở giá của tỉnh áp dụng bằng thông tư từ Bộ Y tế, cần đánh giá tác động và ảnh hưởng từ các tỉnh thành khác để rút kinh nghiệm cho địa phương. Đồng thời cần kiểm tra thông tin qua phản ánh thực tế tại một số địa phương, có trường hợp gia đình lựa chọn người ốm đau để mua BHYT.