Ngày 16.3 là thời điểm giá điện tăng lên 7,5% theo quyết định mới nhất của Bộ Công Thương. Trong khi nhiều người dân lo lắng vật giá tăng lên theo giá điện thì nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tỏ ra khá “thờ ơ” vì cho rằng mức tăng như vậy là không đáng kể.
Nông dân gặp khó
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức thực hiện tăng giá điện lên 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh (trước đây giá điện là 1.508 đồng/kWh). Theo lý giải của lãnh đạo EVN, các yếu tố làm tăng giá thành sản xuất điện như giá than, khí để sản xuất điện, thuế tài nguyên và chi phí tiếp nhận hệ thống điện lưới nông thôn đã tăng nhiều lần kể từ lần tăng giá điện gần nhất vào năm 2013. Trước đó, vào ngày 14.3, Công ty Điện lực Quảng Nam cũng đã chính thức công bố bảng giá bán điện mới trên website chính thức của công ty. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người dân chưa biết về thông tin này. Sáng 16.3, PV Báo Quảng Nam đã khảo sát nhiều ý kiến người dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Nhiều người tỏ ra bất ngờ trước thông tin tăng giá điện. Chị Nguyễn Th. (khu dân cư Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) bày tỏ: “Nhu cầu điện tiêu dùng mỗi tháng của gia đình chỉ khoảng 150 - 200 nghìn đồng, tăng 7,5% thì không chênh lệch nhiều lắm. Nhưng sợ nhất là vật giá tăng theo giá điện. Mấy hôm trước giá xăng tăng, giờ đến giá điện tăng, kiểu gì giá cả cũng lên theo”.
Nhiều người dân lo lắng tăng giá điện sẽ khiến vật giá tăng theo. Ảnh: P.Giang |
Cùng chung nỗi lo, người dân ở các xã nông thôn ở huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… đều e ngại việc tăng giá điện tác động đến đời sống, sản xuất. Dù mới qua tết chưa đầy một tháng, tuy nhiên tình trạng nắng nóng, thiếu nước tưới diễn ra phổ biến. Để canh tác lúa, hoa màu, một số địa phương đã phải bơm nước tưới liên tục trong nhiều ngày qua. Giá điện tăng gây khó khăn không nhỏ cho người dân, bởi rất khó tăng giá bán nông sản. Ông Quang Lực (người dân thôn Văn Ly, xã Điện Quang, Điện Bàn) chia sẻ: “Nhà tôi trồng gần 2 sào rau màu, ớt trên bãi nà ven sông. Tính bình quân, mỗi tháng chi phí cho tiền điện để tưới tiêu đã tốn gần 400 nghìn đồng. Nhà nông vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay lại tăng giá điện, thu nhập ít nhiều cũng bị ảnh hưởng”.
Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô gia đình, ngành nghề cơ khí, sửa chữa máy móc tiêu tốn khá nhiều chi phí cho tiền điện. Ông Hà Phi, chủ cơ sở cơ khí Phi Long (số 131 Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ) cho biết, mỗi tháng xưởng cơ khí của ông phải trả khoảng 1 triệu đồng cho tiền điện. “Tăng giá điện thì bắt buộc phải tăng tiền sản phẩm. Rốt cuộc người bị ảnh hưởng lớn nhất chính là người tiêu dùng” - ông Phi nói.
Sẽ tăng giá thành sản phẩm
Chốt chỉ số công tơ từ ngày 16.3 Ngày 16.3, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, đơn vị đã phổ biến, huy động 150% cán bộ, nhân viên của các điện lực cơ sở để chốt chỉ số công tơ, đảm bảo cho việc áp dụng giá điện mới từ ngày 16.3. “Song song với việc chốt chỉ số đúng thời điểm quy định, chúng tôi cũng đã thông báo tại website của công ty và thông tin đến khách hàng sử dụng được về việc thay đổi giá điện trong lần này” - ông Tuấn cho biết. |
Trái ngược với lo lắng của người dân về thông tin tăng giá điện, nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra khá thờ ơ. Một phần vì theo quy luật kinh tế, giá điện tăng bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm để bù lỗ, một phần vì mức tăng 7,5% được cho là “không quá lớn” đối với các doanh nghiệp ở thời điểm này. Ông Huỳnh Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Phong, Điện Bàn) cho biết: “Bình quân mỗi tháng công ty chỉ phải chi trả tầm 3 triệu đồng cho chi phí sử dụng điện phục vụ sản xuất. Chi phí không cao nên việc tăng giá điện lần này cũng không tác động đáng kể đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Theo lý giải của ông Vinh, phần vì hoạt động sản xuất gỗ mỹ nghệ không sử dụng nhiều điện như các ngành khác, phần vì thị trường tương đối ổn định, do đó doanh nghiệp cũng không quá lo lắng khi biết thông tin giá điện tăng ở thời điểm hiện tại.
Khảo sát vấn đề này đối với doanh nghiệp may Tuấn Đạt (Khu công nghiệp Trường Xuân, TP.Tam Kỳ), một trong những công ty dệt may lớn trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch HĐQT của công ty cho biết: “Tùy theo thời điểm và đơn hàng mà hoạt động sản xuất của công ty tăng hay giảm, từ đó tác động đến việc sử dụng điện cho sản xuất. Bình quân trong năm 2014, mức phí cho tiền điện phục vụ sản xuất tại công ty xấp xỉ khoảng 250 triệu đồng/tháng. Nếu tăng giá điện, chúng tôi sẽ buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Mức 7,5% cũng không quá lớn, nếu tính chung chi phí sản xuất thời điểm này”. Cùng quan điểm với ông Doãn, ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải cũng cho biết, giá điện tăng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành tương ứng theo quy luật chung của thị trường.
Được biết, mặc dù giá điện tăng nhưng các hộ nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có sản lượng tiêu thụ dưới 50kWh/tháng sẽ vẫn được hỗ trợ 30.000 đồng/hộ theo như chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tăng giá điện lần này hầu như không bị ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt.
PHƯƠNG GIANG - VĂN HÀO