Hôm nay (1.8) mức xử phạt các lỗi vi phạm giao thông sẽ tăng mạnh theo quy định của Nghị định 46 do Chính phủ ban hành. Theo cơ quan chức năng, điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho chính người dân.
Nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ tăng mức phạt từ ngày 1.8 này. Ảnh minh họa: P.G |
Phạt nặng nhiều hành vi vi phạm
Theo tìm hiểu, Nghị định 46 quy định mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ tăng gần gấp đôi hoặc hơn mức phạt cũ. Cụ thể, về lỗi vi phạm hiệu lệnh, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt đến 2 triệu đồng. Trước đó, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng. Nếu vi phạm về nồng độ cồn, người điều khiển ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe (GPLX) tối đa 6 tháng. Đối với người đi mô tô vi phạm lỗi này, mức phạt cao nhất tăng từ tối đa 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng, tước GPLX đến 5 tháng (mức cũ 2 tháng).
“Từ tháng 8 này, chúng tôi bắt đầu xử lý vi phạm theo quy định mới. Song song đó, kết hợp vừa xử lý vi phạm vừa tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhận thức chấp hành, không phạt một cách rập khuôn, máy móc. Về phía CSGT tỉnh cũng mong muốn người dân chủ động tìm hiểu, nắm vững các quy định, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và cho những người cùng tham gia giao thông” (Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh) |
Đặc biệt, nghị định mới quy định người điều khiển xe mô tô chạy vượt quá tốc độ quy định trên 20km, có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng. Đối với ô tô, mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng, tương đương mức phạt cũ nhưng người vi phạm bị tước GPLX đến 5 tháng. Ngoài ra, nhiều hành vi và nhóm hành vi mới được đưa vào chế tài xử phạt mà người dân tham gia giao thông cần lưu ý như ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ sẽ xử phạt đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức vi phạm…
Đối với thông tin tăng mức xử phạt và ban hành nhiều lỗi vi phạm mới áp dụng từ ngày 1.8 này, nhiều người dân vẫn tỏ ra băn khoăn, đặc biệt là với việc vượt đèn vàng bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Anh Nguyễn Thành (tài xế xe khách, trú tại khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Nếu xử phạt vượt đèn vàng, trong đô thị được lưu thông với vận tốc tối đa 60km/h thì sẽ dễ bị lỡ trớn vượt qua đèn vàng ở các nút giao thông. Chưa kể, nếu đèn vàng nhấp nháy liên tục vào giờ thấp điểm thì lái xe biết “vượt” hay “không vượt”, liệu quy định này có thuyết phục hay không?”. Cũng như anh Thành, nhiều người tỏ ra khá lúng túng với các quy định mới được áp dụng vào ngày 1.8 này, liên quan đến việc xử phạt các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt vượt đèn vàng tương đương với vượt đèn đỏ là chưa hợp lý, là lỗi vi phạm mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải khi tham gia giao thông…
Tăng tính răn đe
Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh chia sẻ, Nghị định 46 điều chỉnh theo hướng các hành vi là nguyên nhân chính gây TNGT nghiêm trọng đều nâng cao mức phạt tiền cũng như phạt bổ sung. Theo Nghị định 46, sẽ có 105 nhóm hành vi được mô tả, làm rõ, bổ sung thêm so với các quy định cũ. Ngoài ra, có 115 nhóm hành vi tăng chế tài xử phạt, bao gồm tăng mức phạt tiền và tăng hình phạt bổ sung, bổ sung thêm một số hành vi mà các nghị định cũ không quy định. Theo Thượng tá Hồng, việc quy định cụ thể, đầy đủ hơn giúp cho người dân chấp hành tốt hơn khi tham gia giao thông, nâng cao hiệu quả răn đe đối với các hành vi đe dọa an toàn giao thông, từ đó từng bước giảm thiểu TNGT trên các tuyến đường. “Luật quy định cụ thể, chi tiết hơn để có thể xử lý hiệu quả các hành vi cố tình vi phạm. Tiêu biểu như hành vi vượt đèn vàng, nếu cố tình vượt thật nhanh khi đèn vàng đã bật và xe chưa đi qua phần đường bắt buộc dừng thì được xác định là cố ý vi phạm và bị xử phạt. Điều này làm tăng tính răn đe nhằm nâng cao ý thức tham gia của người dân. Tương tự, việc tăng mức phạt liên quan đến các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT nhằm tác động vào ý thức của người tham gia giao thông” - Thượng tá Hồng nhấn mạnh.
Để chuẩn bị cho việc triển khai các quy định mới của Nghị định 46, Công an tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị địa phương tổ chức triển khai tập huấn từ tháng 6 vừa qua. Phòng CSGT tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhằm giúp các cán bộ chiến sĩ nắm vững về các quy định mới, đặc biệt là những điểm bổ sung, sửa đổi. Thượng tá Phan Thanh Hồng chia sẻ, thời gian gần đây lực lượng cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành hướng dẫn, tuyên truyền để đông đảo người dân tìm hiểu, nắm bắt và tự giác chấp hành theo quy định mới khi tham gia giao thông.
Xử phạt vi phạm giao thông về đèn vàng không phải quy định mới Từ 1.8, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe hơi lưu thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt 1,2 - 2 triệu đồng. Đối với người đi mô tô, xe máy vượt đèn vàng cũng bị phạt 300.000 - 400.000 đồng. Có rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh mức phạt này. Tuy nhiên, xem lại các quy định về việc xử phạt đối với hành vi này có thể thấy nội dung này không có gì mới. Quy định xử phạt về chấp hành đèn tín hiệu giao thông, tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP (sẽ bị bãi bỏ bởi Nghị định mới 46/2016/NĐ-CP vào ngày 1.8) đã quy định như sau: “Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng”. Vi phạm này đối với ô tô sẽ bị xử phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 200.000 đến 400.000 đồng. Nay, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định này đã được quy định lại ngắn gọn nhưng bao quát đầy đủ hơn như sau: “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Với vi phạm này, mức phạt tăng lên đối với ô tô là từ 1,2 đến 2 triệu đồng; đối với xe máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy cũng tăng, từ 300.000 đến 400.000 đồng... Về quy định thế nào là tín hiệu đèn giao thông, mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, sửa đổi Thông tư 17/2012/TT-BGTVT và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11. Theo đó, Quy chuẩn ban hành kèm theo thông tư này nêu rõ: Đèn tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Tín hiệu vàng nhấp nháy: Báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định. Như vậy, có thể nói quy chuẩn quy định về tín hiệu đèn vàng này hoàn toàn sát với thực tế và không phải quy định mới. Quy định này đã được ban hành trước đó tại Thông tư 17/2012/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật về báo hiệu đường bộ và không có một thay đổi nào đối với quy định này. T.B (theo plo.vn) |
THÀNH CÔNG