Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông

SÁU CÒI 05/12/2017 12:57

Có rất nhiều lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngoài bị xử phạt, người tham gia giao thông bằng xe máy còn bị tạm giữ phương tiện.

Ngoài bị giam xe, người vi phạm còn bị xử phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. (Ảnh minh họa).
Ngoài bị giam xe, người vi phạm còn bị xử phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. (Ảnh minh họa).

Không ít người khi tham gia giao thông tỏ ra bất ngờ khi bị cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện xe máy. Có trường hợp còn phản đối vì cho rằng lực lượng chức năng lạm quyền mà không biết rằng họ thực thi công vụ đúng quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định áp dụng tạm giữ phương tiện đối với hành vi điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; các lỗi vi phạm về nồng độ cồn. Những trường hợp buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định… đều bị “giam” phương tiện.

Cạnh đó, xe cũng sẽ bị đưa về đồn công an để tạm giữ trước những hành vi sau đây của người tham gia giao thông, như: sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; điều khiển xe không có giấy đăng ký xe theo quy định; điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối tượng thanh thiếu niên lưu ý, pháp luật nghiêm cấm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không được điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không được điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Nếu vi phạm và bị phát hiện, cảnh sát giao thông sẽ tiến hành tạm giữ phương tiện.  

Ngoài bị tạm giữ, Điều 6, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP còn quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chẳng hạn, điều khiển xe đi vào đường cao tốc bị phạt tiền 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; phạt tiền 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền 3 - 4 triệu đồng. Phạt tiền 5 - 7 triệu đồng đối với người khi đang lái xe mà buông cả hai tay; dùng chân điều khiển; ngồi về một bên; nằm trên yên; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau hoặc bịt mắt; lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định… Tùy trường hợp và mức độ, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO