Sau khi có thông tin nhiều ngân hàng dự kiến tăng các loại phí dịch vụ, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam xung quanh vấn đề này.
Khách hàng rút tiền mặt tại ATM của Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: N.Q.V |
- PV:Thưa ông Trần Quang Hổ, ông đánh giá như thế nào về việc nhiều ngân hàng đồng loạt tăng phí dịch vụ?
Ông Trần Quang Hổ: Về quy định, mỗi ngân hàng muốn tăng phí dịch vụ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước trước 30 ngày, thông báo đến khách hàng trước 7 ngày. Các ngân hàng khi tăng phí luôn cân nhắc nhiều yếu tố về cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau, lựa chọn sử dụng của khách hàng và quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Đó là xu thế tất yếu, miễn là phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ luật Dân sự, Luật Phí và lệ phí. Có điều, khi tăng giá dịch vụ, các ngân hàng cần minh bạch thông tin, giải thích cho khách hàng hiểu và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng, tạo sự hài hòa lợi ích giữa người cung cấp và sử dụng dịch vụ. Nhất thiết ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng đa dạng, tiện ích và bảo mật cho khách hàng. Theo quy luật cạnh tranh, ngân hàng nào phục vụ không tốt thì khách hàng sẽ lựa chọn ngân hàng khác.
- PV:Ông đánh giá gì về việc khách hàng phải trả quá nhiều chi phí cho các loại dịch vụ ngân hàng?
Khi rút tiền mặt nội mạng hoặc ngoại mạng thông qua ATM, kể từ năm 2015 trở đi khách hàng phải trả phí từ 0 đồng đến tối đa 3.000 đồng. Hiện nay, rút tiền mặt nội mạng ở các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV áp dụng ở mức 1.100 đồng/giao dịch (đã bao gồm thuế VAT); một số trường hợp như Techcombank, LienVietpostbank không thu phí này. Về rút tiền mặt ngoại mạng, với mỗi lần giao dịch, Vietcombank là 3.300 đồng, VietinBank là 2.200 đồng, BIDV là 3.300 đồng. Techcombank, LienVietpostbank không thu phí này. Agribank có phí rút tiền ATM nội mạng là 1.100 đồng, ngoại mạng là 3.300 đồng. Thu phí dịch vụ chuyển khoản trên Agribank Mobile Banking (SMS Banking), Agribank M-Plus và Agribank E-Mobile Banking theo số tiền giao dịch của khách hàng. Cụ thể: giao dịch từ 1 triệu đồng trở xuống là 1.100 đồng; trên 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng: 2.200 đồng; trên 10 triệu đồng đến 25 triệu đồng: 3.300 đồng (bao gồm VAT). Về phí dịch vụ SMS hằng tháng, Vietcombank áp dụng ở mức 11 nghìn đồng, VietinBank, BIDV cùng mức 8.800 đồng, Techcombank là 9.900 đồng, LienVietpostbank không áp dụng phí này... |
Ông Trần Quang Hổ: Theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22.11.2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP bằng Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 thì Chính phủ khuyến khích các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đến nay đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán điện tử được chú trọng, thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, các máy giao dịch tự động (ATM) và chấp nhận thẻ (POS) tăng nhanh. Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng nhanh. Nhiều ngân hàng đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng giải pháp công nghệ thanh toán mới, hiện đại như xác thực vân tay, sử dụng mã QR Code... mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử. Công tác an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử cũng đã được tăng cường. Trả tiền điện, tiền nước và các dịch vụ khác tương tự của ngân hàng đã giúp ích rất nhiều cho khách hàng. Trách nhiệm của người dùng sau khi hưởng lợi dịch vụ là phải thanh toán phí dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước luôn giám sát, kiểm tra các loại phí của ngân hàng… Chưa có trường hợp khiếu nại, khiếu kiện, kiến nghị giải quyết bất cập về phí dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra chặt chẽ trong thời gian đến.
- PV: Nhiều người phản ánh rằng, việc rút tiền mặt tại các hệ thống ATM trên địa bàn tỉnh hay gặp trục trặc, ông trao đổi gì về việc này?
Ông Trần Quang Hổ: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 267 máy ATM và 1.627 POS đang hoạt động đáp ứng các nhu cầu rút tiền mặt, thanh toán và nhiều tiện ích khác cho người dùng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn nghiêm túc tuân thủ các quy định tại Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ngày 28.12.2012 của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt quy định về trang bị camera giám sát, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ cho ATM và các quy định về an toàn, bảo mật hoạt động ATM để phòng chống tội phạm. Khi ATM tạm ngưng hoạt động, ngân hàng đều phải báo cáo về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam và thông báo, chỉ dẫn khách hàng giao dịch ở ATM trong hoặc ngoài hệ thống ở gần đó. Việc ATM làm gián đoạn giao dịch của khách hàng là hiếm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra về hoạt động của hệ thống ATM tại 18 huyện, thị xã, thành phố, khi phát hiện có sai phạm sẽ xử phạt nghiêm theo quy định.
- PV: Xin cám ơn ông!
NGUYỄN QUANG VIỆT (thực hiện)