Trong khi mùa giải 2020 đang bị “đóng băng” do dịch Covid 19 thì tuần qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã làm “nóng” bầu không khí bằng việc tung ra quyết định tăng số lượng đội bóng tham gia giải hạng Nhất và hạng Nhì giai đoạn 2021 - 2023.
Cụ thể, kể từ mùa giải 2021, bên cạnh V-League vẫn giữ nguyên con số 14 đội, số lượng đội tham gia giải hạng Nhất và hạng Nhì quốc gia sẽ được nâng lên 14 đội mỗi hạng (hiện hạng Nhất có 12 đội và hạng Nhì có 13 đội).
Nói mùa giải năm 2021 song thật ra sẽ áp dụng ngay trong mùa giải 2020, khi đội xếp thứ 12 giải hạng Nhất năm nay sẽ xuống thi đấu ở giải hạng Nhì năm sau. Tương tự, 3 đội xếp cao nhất giải hạng Nhì năm 2020 sẽ giành quyền lên chơi giải hạng Nhất năm 2021.
Việc cả 3 giải bóng đá cao nhất có cùng 14 đội bóng sẽ giúp nền bóng đá Việt Nam xóa bỏ nghịch lý “tháp ngược” khi phình to ở hạng cao nhất nhưng lại teo tóp dần ở giải hạng dưới và cũng trái ngược với quy luật bóng đá thế giới.
VFF cũng kỳ vọng, việc tăng số lượng đội hạng Nhất và hạng Nhì sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tăng chất lượng các giải đấu. Bên cạnh đó, giúp cho các cầu thủ trẻ có điều kiện thi đấu cọ xát, đội tuyển quốc gia và U22, U23 quốc gia có thêm nhiều cơ hội trong công tác tuyển chọn nhân tài bên cạnh mặt trận chính là giải vô địch quốc gia V-League.
Việc VFF điều chỉnh quy mô các giải đấu thuận theo quy luật là một phần quan trọng trong những bước đi nhằm đưa nền bóng đá Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn như mô hình các nền bóng đá hàng đầu thế giới đang làm. Đây cũng là một động thái tích cực, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của những nhà làm bóng đá nước nhà, tránh tình trạng thụ động như những năm vừa qua.
Tuy nhiên, câu chuyện đáng suy nghĩ ở đây là tăng số lượng đội bóng liệu có tăng chất lượng và hợp lý ở thời điểm này? Bởi thực tế ngoài V-League vốn có được ít nhiều sự ổn định trong những năm gần đây, còn lại giải hạng Nhất và hạng Nhì liên tục bị xáo trộn và thiếu tính bền vững do cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” của không ít câu lạc bộ lẫn ông bầu.
Không phải không có cơ sở khi có nhiều ý kiến băn khoăn hiện nay tìm đâu ra cho đủ 14 đội tham gia giải hạng Nhất cũng như hạng Nhì. Nhìn lại lịch sử giải bóng đá hạng Nhất Việt Nam, có thể thấy giải đấu cao thứ nhì quốc gia song lại luôn trong tình trạng èo uột khi số lượng đội bóng tham gia dừng lại ở con số 8 - 10 đội.
Thậm chí, mùa giải hạng Nhất năm 2017 sau khi 3 đội không tham gia khiến cho giải chỉ còn có 7 đội góp mặt. Chưa hết, tình trạng trái khoáy khi có năm có đội bóng giành quyền thăng hạng Nhất song sau đó xin… ở lại hạng Nhì; hoặc cũng có đội lên V-League nhưng rồi… chịu phạt để không lên nữa!
Ngay cả hiện nay, không ít đội hạng Nhất vẫn đối mặt với nguy cơ bị “xóa sổ” bất cứ lúc nào do không chủ động được nguồn kinh phí hoạt động. Giải hạng Nhì cũng không mấy sáng sủa và cũng không nhiều đội bóng có tham vọng thăng hạng.
Như vậy, có thể thấy tăng số đội là cần thiết song ở thời điểm này có hợp lý hay không là vấn đề khác. Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong đó có số phận của không ít doanh nghiệp. Tâm có nhưng lực để tài trợ cho bóng đá là cả một vấn đề đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Đó là chưa kể một số đội bóng còn đề nghị V-League 2020 đá 1 lượt trận và không có ngoại binh để giảm chi phí. Vậy nên, mong muốn là lý thuyết còn thực tế mới có câu trả lời chính xác nhất.