Gần đây, trên những diện tích sản xuất lúa, hoa màu gặp khó khăn, năng suất đạt thấp do đất nghèo dinh dưỡng, nhiều nông dân xã Đại Đồng (Đại Lộc) đã chuyển sang chuyên canh cây sả theo hướng hàng hóa với diện tích lớn, thu được hiệu quả kinh tế cao.
Cây sả tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình ở xã Đại Đồng. ẢNH: H.L |
Vùng chuyên canh sả
Dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã tại khu vực Đại Đồng, những cánh đồng sả xanh tốt nối dài. Sả được trồng trước nhà, trong vườn, ngoài ngõ, được trồng trên những khu đất dọc bãi biền, gò đồi, nương rẫy với diện tích lớn. Những chân ruộng xấu, năng suất lúa thấp do thiếu nước tưới cũng được bà con chuyển đổi sang trồng sả. Bà Lê Thị Hương (thôn Vĩnh Phước, xã Đại Đồng) chia sẻ: “Nếu không có cây sả, vợ chồng tôi không biết làm gì để sống bởi thu nhập từ cây lúa quá thấp, làm hoa màu thì giá cả bấp bênh, được mùa mất giá. Trồng sả, mỗi năm thu được 4 vụ, phải 2 năm mới phá bỏ gốc để trồng mới. Hơn nữa, chi phí, nhân công chăm sóc, thu hoạch sả lại thấp hơn cây lúa, hoa màu nhiều lần”.
Gia đình bà Hương hiện trồng 3 sào sả trên diện tích đất Đồng Tán tại thôn Vĩnh Phước, mỗi năm 3 sào sả này đem lại cho bà nguồn thu hơn 20 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, thu nhập cao gấp mấy lần cây lúa, bà tận dụng nửa sào đất vườn nhà trồng thêm. Thời điểm hiện tại là mùa sả, năng suất rất đạt nên có giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, nhưng mùa cao điểm như tết hay các tháng giêng, hai, mức tiêu thụ của loại cây này trên thị trường tăng cao (từ 4.000 - 5.000 đồng/kg), có thời điểm lên tới 8.000 đồng/kg. Sả thu hoạch tại ruộng được bà con chặt bỏ thân, ngọn và rễ thật sạch, chỉ giữ lại phần củ, sau đó bó thành từng bó nhỏ rồi đóng bao dễ nhập cho tiểu thương tại địa phương. Thị trường tiêu thụ sả mạnh nhất hiện nay là chợ đầu mối và nhiều nơi tại TP.Đà Nẵng.
Thu nhập khá
Hiện thôn Vĩnh Phước có nhiều hộ khấm khá từ việc trồng sả với nguồn thu 30 - 40 triệu đồng/năm. Ông Từ Văn Hiệu trồng đến 5 sào sả trên chân ruộng kém hiệu quả. Ông nhẩm tính, 5 sào lúa ở chân ruộng thường bị “treo” nước chỉ đem lại hơn 1 tấn lúa mỗi vụ, với giá thành 5.500 đồng/kg, thu nhập đem lại chỉ 5,5 triệu đồng, chưa kể chi phí phân bón, nhân công, máy móc. Nhưng chỉ với 2 sào sả được mùa, ông có thể thu được 10 triệu đồng/vụ. Vụ này, trên diện tích 5 sào chuyên canh sả, ông thu được khoảng 5 tấn với giá 2.500 đồng/kg, nguồn thu đem lại khoảng 10 triệu đồng. Ông Hiệu còn phá hẳn cây chuối, đầu tư trồng loại cây này trên diện tích gần 1 sào đất vườn nhà, chỉ qua 2 vụ sả, ông có thêm nguồn thu 10 triệu đồng. Theo ông Hiệu, so với nhiều loại cây khác, cây sả dễ trồng, kỹ thuật lại đơn giản, công chăm bón lại ít, chỉ cần làm cỏ, xới phân giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh, đẻ nhánh mạnh. Loại sả trắng được chọn trồng rộng rãi vì đặc tính sinh trưởng mạnh, hình thức đẹp, cho củ to. Trong khi nhiều loại cây khác phải cần tưới nước thường xuyên thì cây sả có thể sống nhờ nước trời, chỉ cần đảm bảo đất không bị ngập úng vì loại cây này dễ bị úng thủy…
Thấy hiệu quả, nhiều bà con lân cận đã tận dụng đất vườn nhà để trồng, đất gò đồi, đất núi trước đây bỏ hoang cũng được khai thác triệt để nhằm phát triển cây sả. Cả thôn có đến 4 điểm thu mua sả, chủ yếu xuất ra thị trường Đà Nẵng. Do diện tích trồng khá lớn nên việc thu mua được đại lý tính toán kỹ, có kế hoạch thu mua quay vòng từ nhóm hộ này tới nhóm hộ khác để đảm bảo nguồn thu ổn định cho bà con. Ngoài hộ ông Từ Văn Hiệu, các hộ ông Từ Dũng, Từ Xuân… cũng đầu tư trồng với diện tích từ 4 - 5 sào và dần khấm khá. Ông Từ Văn Bình - Trưởng thôn Vĩnh Phước cho biết: “Diện tích đất ruộng bị “treo” nước của thôn trải rộng khoảng 2ha được chuyển qua trồng sả khoảng 2 năm nay và đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Cả thôn Vĩnh Phước có khoảng 200 hộ, phần đông bà con tận dụng trồng cây sả trên nhiều loại địa hình nên khó có thể thống kê được diện tích là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, sự hiện hữu của loại cây này đã góp phần ổn định đời sống của người dân vùng này, đó là điều đáng mừng”. Không chỉ được trồng nhiều ở thôn Vĩnh Phước, cây sả còn phát sinh mạnh tại các thôn Hà Thanh, Hà Nha (Đại Đồng) và các vùng lân cận, trở thành loại cây trồng đem lại nguồn kinh tế chủ yếu của người dân những vùng này.
HOÀNG LIÊN