Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

VIỆT NGUYỄN 03/10/2018 07:18

Ngày 20.9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít), có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 và dự kiến giá các mặt hàng sẽ tăng nhưng không đáng kể.

Giá các mặt hàng tiêu dùng dự kiến sẽ tăng khi xăng dầu tăng giá. Ảnh: Q.Việt
Giá các mặt hàng tiêu dùng dự kiến sẽ tăng khi xăng dầu tăng giá. Ảnh: Q.Việt

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Chí Khánh - Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho rằng, doanh nghiệp sẽ gặp khó khi thuế môi trường tăng khiến xăng dầu tăng giá bán ra. Theo đó, mức bán 4.000 - 5.000 lít xăng dầu/ngày vào thời điểm này có thể sẽ giảm xuống không ít. Người dân sẽ ngày càng thắt chặt chi tiêu khi hàng tiêu dùng tăng giá và sẽ sắp xếp lại việc đi lại, vận chuyển theo hướng càng giảm phí xăng dầu càng tốt. “Khi xăng dầu tăng giá, chúng tôi sẽ phải tăng nguồn vốn đầu tư đầu vào, trong khi đó lợi nhuận thì vẫn giữ nguyên là bất lợi. Sự cạnh tranh của chúng tôi với các cửa hàng khác sẽ diễn ra và chúng tôi cũng phải tính toán để giảm các chi phí trong kinh doanh xăng dầu” - ông Khánh nói. Trong khi đó, ngư dân cũng rất lo khi xăng dầu tăng giá. “Chi phí xăng dầu cho mỗi chuyến biển của chúng tôi lên đến 180 triệu đồng vào thời điểm này đã là quá cao. Đến năm 2019 chi phí này tăng thêm cộng với tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác sẽ khiến chúng tôi gặp khó khi vươn khơi sản xuất” - ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91594 nói.

Khảo sát một số chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhiều tiểu thương lo ngại khi xăng dầu tăng giá sẽ khó bán buôn. Chị Nguyễn Thị Ý buôn bán nhỏ ở chợ Hội An (TP.Hội An) cho rằng, chắc chắn giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng từ ngày 1.1.2019. “Thông qua báo đài tôi được biết xăng dầu lên giá do thuế bảo vệ môi trường tăng lên mức 4.000 đồng. Dù được dự báo việc tăng giá này tác động đến giá cả không nhiều, nhưng với người thu nhập thấp, buôn bán nhỏ chắc chắn sẽ khó khăn” - chị Ý nói. Nhiều người dân cho rằng, tiền điện, tiền nước, thực phẩm, lương thực, gas cũng sẽ tăng lên khi xăng dầu tăng giá... Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được các cơ quan ở trung ương tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với lộ trình. Theo đó, ngân sách nhà nước mỗi năm sẽ tăng chừng 15 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do tất cả mặt hàng trên thị trường đều phải vận chuyển nên chắc chắn sẽ tăng giá sau khi giá xăng dầu tăng lên. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân. Người tiêu dùng sẽ phải tính toán, cân đối lại chi tiêu cho phù hợp với diễn biến giá hàng hóa trên thị trường.

Đến ngày 1.1.2019, thuế môi trường của xăng tăng lên mức 4.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu không tác động tăng CPI năm 2018, đảm bảo điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động của nền kinh tế. Dự kiến, giá xăng dầu chỉ tác động 0,07 - 0,09% CPI vào năm 2019. Xăng dầu là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn giá nên sẽ được điều tiết để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thấp so với các nước trong ASEAN và châu Á, như thấp hơn Lào 5.318 đồng/lít, Campuchia 1.773 đồng/lít, Trung Quốc 1.499 đồng/lít. Với phương án tăng thuế môi trường với xăng dầu thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng dầu của nước ta là khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng các nước trong khu vực như Campuchia 49%, Lào 56,5%, Trung Quốc 52%.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO