Học chung lớp, cùng dành nhiều thời gian cho môn Địa lý và cùng “ẵm” giải ba Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý năm 2020 - 2021 là điểm chung khá thú vị của Nguyễn Hoàng Minh Nhân và Trần Thị Như Ý (lớp 12 chuyên Địa lý, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Từ sở thích khám phá
Như Ý cùng người em gái song sinh và ba mẹ sống ở xã Tam Ngọc, cách không xa trung tâm TP.Tam Kỳ. Bắt đầu có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Địa lý từ cấp 2, Như Ý đăng ký thi vào lớp chuyên của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngay từ năm lớp 10, cô gái nhỏ xuất sắc đoạt huy chương đồng kỳ thi Olympic môn Địa lý.
“Mỗi môn học chắc chắn sẽ có một hứng thú riêng. Với em, môn Địa lý khá thú vị ở chỗ có thể ứng dụng nhiều kiến thức ở môn khác, vận dụng tư duy để việc học trở nên hấp dẫn hơn. Năm lớp 10, em bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho môn chuyên, cách học cũng mới mẻ và có chiều sâu hơn.
Để vừa học tốt môn chuyên, vừa có thể đảm bảo nắm kiến thức các môn còn lại, em tập trung cho bài học ngay từ ở lớp. Thời gian về nhà, chỉ cần xem lại một chút để ghi nhớ” - Như Ý chia sẻ.
Nếu Như Ý theo đuổi môn Địa lý ngay từ cấp 2, thì với Minh Nhân, môn Địa lý lại là “nguyện vọng 2”, khi bạn cùng lúc thi tuyển vào lớp 10 ở cả hai môn Địa lý và Anh văn của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Kinh nghiệm của Nhân ở môn học này, chỉ đơn giản là “thức khuya hơn một tí, dậy sớm hơn một tí”, để dành thời gian cho môn học mà mình chọn.
Với Nhân, môn Địa lý sẽ giúp có nhiều kiến thức hơn về các vùng đất, không chỉ ở địa hình, dân cư, các hiện tượng, mà còn biết được những mối quan hệ liên ngành khá phức tạp. Dù xuất phát từ suy nghĩ như là một chuyến khám phá bằng kiến thức, Nhân vẫn khá tập trung, đầu tư cho môn học này.
Nhân nói: “Cách của em là học theo ý chính và tự rèn kỹ năng triển khai những ý phụ từ ý chính đó. Thuận lợi của cả hai, là được các cô thầy, nhất là cô chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn chuyên chỉ dạy, định hướng trọng tâm, nên việc học cũng nhẹ nhàng hơn.
Kiến thức là điều bắt buộc, nhưng quan trọng không kém là tinh thần. Trước mọi kỳ thi, em sẽ nghỉ ngơi, tìm cách để thả lỏng đầu óc. Phần nữa là vì cả hai là học sinh chuyên, thi nhiều, nên cũng quen, tâm thế vững hơn. Em đặt mục tiêu là giải ba kỳ thi học sinh giỏi và đã đạt được. Có sự cố gắng, nỗ lực, tự tin và cả may mắn nữa”.
Mang niềm vui từ quê hương đi xa
Hiện tại, cả hai cô học trò nhỏ đều đã là những tân sinh viên. Như Ý trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, còn Minh Nhân trở thành sinh viên chuyên ngành Truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao. Không còn theo đuổi môn Địa lý, song cả hai khẳng định vẫn còn rất thích tìm hiểu môn này, để bổ sung cho vốn kiến thức của mình trong tương lai.
Minh Nhân chia sẻ, môn Địa lý là duyên để Nhân chọn ngành truyền thông quốc tế, với suy nghĩ sẽ được khám phá nhiều hơn, được đi đó đây nhiều hơn, trải nghiệm nhiều vùng đất mới.
Đã chính thức trở thành cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cả hai đều gửi gắm những lời tri ân dành cho cô giáo chủ nhiệm, người đã dày công giúp đỡ, rèn giũa để hai bạn xuất sắc giành được giải trong kỳ thi học sinh giỏi và ghi dấu với trao thưởng Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng. Đây sẽ là món quà quý giá từ quê hương trong hành trang lần đầu đi xa của hai cô gái.
Như Ý chia sẻ, được trao thưởng ươm mầm là niềm vinh dự đặc biệt, ghi dấu nỗ lực trong những năm phổ thông, là động lực phấn đấu để có thể xây dựng mình thành “một phiên bản tốt hơn” trong tương lai.
Còn với Minh Nhân, đây là nền tảng để bước tiếp về phía trước. Đi xa để nhớ về quê xứ, đi bằng niềm động viên lớn từ Quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng và luôn nhắc nhớ phải cố gắng hơn nữa để sau này có thể đóng góp cho quê hương bằng một phần nhỏ bé của mình, hai cô học trò trường chuyên đã tự dặn lòng mình như thế.