Tặng thưởng Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam 2021: Cống hiến và ghi nhận

BẢO ANH 19/12/2021 07:29

UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 20 tác phẩm đạt Tặng thưởng Văn học  - nghệ thuật Quảng Nam năm 2021, thể hiện sự ghi nhận đối với các thành quả lao động sáng tạo và cống hiến của văn nghệ sĩ xứ Quảng trong một năm đầy khó khăn do Covid-19...

Ảnh đơn “Niềm tin” của Phan Vũ Trọng, một trong 3 tác phẩm đoạt giải A của Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2021.
Ảnh đơn “Niềm tin” của Phan Vũ Trọng, một trong 3 tác phẩm đoạt giải A của Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2021.

Tăng lượng, không giảm chất

Sau 11 lần tổ chức, đến năm 2021 này, việc chấm chọn, xét trao Tặng thưởng Văn học - nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam được thực hiện theo quy định mới, với quy mô và cơ cấu giải thưởng lớn hơn. Trước đây, mỗi mùa Tặng thưởng chỉ có 12 giải, gồm 2 giải A, 4 giải B và 6 giải C cho tất cả loại hình VHNT.

Từ năm 2021 này, cơ cấu giải thưởng tăng lên 21 giải, gồm 4 giải A, 6 giải B, 6 giải C và 5 giải khuyến khích. Sở dĩ có sự điều chỉnh này là vì đời sống VHNT Quảng Nam đang ngày càng trở nên sôi động, với sự góp mặt mỗi lúc một đông hơn của văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành nghệ thuật khác nhau. Số lượng tác phẩm được sáng tác và công bố hằng năm cũng tăng lên đáng kể.

Mặc dù có sự gia tăng về số lượng giải, song việc chấm chọn, xét trao tặng năm nay vẫn được thực hiện theo hướng lấy tiêu chí chất lượng làm đầu, không vì có cơ cấu giải lớn hơn mà du di trong đánh giá, xếp loại tác phẩm.

Và trên thực tế, ngay từ vòng đầu, một số ban sơ khảo đã mạnh dạn đề xuất không trao giải cao nhất cho chuyên ngành mình phụ trách. Lý do là, qua chấm chọn, các ban sơ khảo tìm ra được những “cột cờ” trong “bó đũa”, nhưng so với mặt bằng đời sống VHNT của tỉnh và khu vực, cộng với việc đối sánh chất lượng tác phẩm của từng chuyên ngành ở các mùa giải trước đây, có một vài “cột cờ” lần này không bằng với “cột cờ” lần trước.

Và ở vòng chấm chung khảo, Hội đồng xét Tặng thưởng cũng thống nhất “không nhất thiết trao đủ số giải theo cơ cấu nếu nhận thấy tác phẩm không đáp ứng được tiêu chí chất lượng nội dung và nghệ thuật theo từng mức giải”. Và sự quyết liệt này đã được thể hiện rõ nhất ở việc chỉ có 3 giải A được trao, trong khi theo cơ cấu thì có 4 giải A.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng xét Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2021, việc khuyết mất một giải A là đáng tiếc, nhưng không phải tiếc vì vuột mất một giải thưởng lớn mà tiếc vì không có thêm một tác phẩm xứng tầm để trao.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể chia sẻ được nếu biết rằng, suốt từ giữa năm 2020 cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã gây ra nhiều trở ngại trong hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ. Số lượng tác phẩm được sáng tác mới và tham gia dự xét Tặng thưởng lần này không nhiều bằng các năm trước. Cá biệt, hai chuyên ngành múa và sân khấu đã không thể tìm ra tác phẩm đủ tiêu chuẩn để dự xét Tặng thưởng.

Những “hạt gạo trên sàng”

Mặc dù không đạt được điểm tối đa, nhưng có thể thấy cả 3 tác phẩm được trao giải A lần này vẫn xứng đáng khi đều thật sự là những “hạt gạo trên sàng” và đều có điểm số chung cuộc nằm trong ngưỡng điểm loại A.

Với tập sưu tầm, biên khảo “Thơ ca dân gian ở Hội An về kháng chiến và Bác Hồ” (nhiều tác giả, do Trần Văn An chủ biên), giải A được trao không chỉ vì sự công phu, tỉ mẩn, khoa học mà còn vì tính mới của tác phẩm. Thơ ca dân gian kháng chiến tại các địa phương ở Quảng Nam được sưu tầm đến nay đã khá nhiều.

Nhưng việc sưu tầm, khảo cứu chuyên sâu đối với thơ ca dân gian về kháng chiến và Bác Hồ ở vùng đất giàu trầm tích như Hội An thì đây là công trình đầu tiên. Thông qua việc tìm kiếm và giới thiệu những bài ca dao, hò, vè về một đề tài có tính khu biệt, công trình này góp phần tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp, hy sinh của quân dân Hội An trong kháng chiến và tình cảm đặc biệt của họ đối với Bác Hồ.

Trong khi đó, theo đánh giá của Hội đồng xét Tặng thưởng, ảnh đơn “Niềm tin” của Phan Vũ Trọng là tác phẩm có bố cục tạo hình tốt, hình ảnh sống động, tự nhiên; khai thác nguồn sáng hợp lý, làm cho ảnh sắc nét, có sắc độ đẹp và có điểm nhấn.

Bằng cách đặc tả công việc thầm lặng của các y bác sĩ, tác phẩm vừa góp phần tôn vinh hình ảnh người thầy thuốc - nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bủa vây khắp nơi, vừa bày tỏ lòng tri ân và niềm tin yêu của cộng đồng, của xã hội đối với họ.

Tác giả Phan Vũ Trọng cho biết, là một người làm việc trong ngành y nên anh có cơ hội tiếp cận hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động chữa bệnh cứu người. Và bức ảnh này là một khoảnh khắc được anh ghi lại hoàn toàn tình cờ, không hề có bất cứ một sự sắp đặt nào.

Với hợp xướng “Thu Bồn dòng nhớ dòng thương”, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải thuyết phục Hội đồng chung khảo bằng sự “sang trọng, bác học” của thể loại, vừa bằng sự tinh tế, nhuần nhị trong sự kết hợp, vận dụng âm hưởng dân ca bài chòi, hô hát bả trạo... trong tác phẩm.

Ngoài ra, bản hợp xướng này còn có kỹ thuật chuyển điệu hài hòa, hợp lý; âm nhạc, ca từ rất quyện và khúc chiết, tạo nên dòng cảm xúc vừa mạnh mẽ vừa tha thiết: “Sông Thu Bồn dòng sông đồng dao tắm mát tâm hồn tuổi thơ. Sông Thu Bồn khúc dân ca dài theo biền dâu xanh mãi những bến bờ. Ôi dòng sông lịch sử ghi vào đây những thăng trầm...”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tặng thưởng Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam 2021: Cống hiến và ghi nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO