Nhiều điểm mới trong quá trình ươm tạo các dự án khởi nghiệp của Vườm ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) sẽ bắt đầu thực hiện từ khóa ươm tạo thứ VII, giúp các dự án được tuyển chọn có thêm nhiều trải nghiệm thực tế để có thể chen chân và đứng vững trên thị trường.
Một buổi networking do DNES tổ chức. Ảnh: DNES cung cấp |
Là địa phương đi tiên phong trong phong trào khởi nghiệp tại khu vực miền Trung, trong gần 3 năm qua từ “cái nôi” DNES, một số dự án khởi nghiệp đã tạo được tiếng vang và bước đầu có thể thương mại hóa trên thị trường như: chế phẩm sinh học đa dụng Minh Hồng, Homecares – nền tảng kết nối bệnh nhân và bác sĩ chăm sóc tại nhà, TOB – nôi thông minh tích hợp nhiều tính năng… Nhiều dự án của các start-up trẻ tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… đều được đánh giá là có ý tưởng đột phá, triển vọng cao để thương mại hóa sản phẩm nhưng không ít trong số đó lại “chết yểu” bởi các sáng lập viên vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng và kinh nghiệm điều hành, phát triển các dự án khởi nghiệp kinh doanh bền vững, mang lại hiệu quả cao. Ông Phạm Đức Nam Trung – quyền Giám đốc DNES cho biết, đến nay vẫn chưa có dự án khởi nghiệp nào “made in Đà Nẵng” đạt tầm quốc gia hay khu vực.
DNES sẽ áp dụng chương trình ươm tạo 1.1 cho các dự án được chọn trong đợt tuyển chọn cho khóa VII vừa qua. Chương trình ươm tạo tại DNES sẽ kéo dài 6 tháng thông qua việc cung cấp các hoạt động cố vấn, khóa huấn luyện chuyên sâu, mạng lưới quan hệ, không gian làm việc chung và các hỗ trợ kỹ thuật khác. |
Từ quá trình thực tế của 6 khóa ươm tạo, DNES sẽ đặt trọng tâm vào việc phát triển năng lực của sáng lập viên và tinh gọn lại quy trình khởi nghiệp nhằm hỗ trợ tối đa cho các dự án khởi nghiệp có thể vươn tầm. Điểm nhấn của khóa ươm tạo này nằm ở việc các tính năng mới sẽ phù hợp, thích ứng với đặc điểm nhu cầu của các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng và khu vực sáng lập viên với các cố vấn khởi nghiệp hàng đầu đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà các dự án khởi nghiệp hướng đến. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo DNES, mạng lưới cố vấn trong khóa VII sẽ bao gồm những nhà khởi nghiệp quốc tế, những chuyên gia đầu ngành, các doanh nhân hàng đầu tại Đà Nẵng và có cả sáng lập viên đi trước đã từng tham gia ươm tạo tại DNES.
Hầu hết dự án khởi nghiệp khi phát triển đều thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm đồng hành và đây là một “nhược điểm” mà DNES hứa hẹn sẽ khắc phục. Nếu được tuyển chọn vào khóa ươm tạo lần này, các dự án có thể tiếp cận nguồn nhân lực dồi dào về thiết kế, marketing… và cơ hội nhận được gói dịch vụ ưu đãi từ các đối tác của DNES. Các buổi workshop, networking kết nối, tương tác các dự án với cộng đồng khởi nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cũng thường xuyên được DNES tổ chức để các start-up không lạc lõng trong quá trình khởi nghiệp. Vấn đề mặt bằng vốn là một khó khăn cho các start-up sẽ được DNES hỗ trợ chỗ ngồi miễn phí tại “không gian làm việc chung” có sự hỗ trợ trực tiếp và liên tục từ các thành viên của DNES. Ông Phạm Đức Nam Trung chia sẻ: “Có 2 lựa chọn khả thi sau thời gian ươm tạo cho các start-up gồm: tiếp tục tham gia chương trình tăng tốc từ 1 đối tác của DNES hoặc thành lập doanh nghiệp và gọi vốn đầu tư ban đầu từ mạng lưới nhà đầu tư thiên thần của DNES”.
NGUYỄN QUỐC