Tăng tốc cho khởi nghiệp du lịch

DIỄM LỆ - QUỐC TUẤN 15/02/2020 10:06

Khởi nghiệp (start-up) từ làng hướng ra thế giới, với du lịch thì điều này hoàn toàn có thể. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch với những cách làm mới, sáng tạo sẽ mang lại cơ hội thành công cho các start-up dám mạo hiểm. Dựa trên giá trị văn hóa - nền tảng cơ bản của vùng đất và con người, đi tìm giá trị riêng để hướng đến và mang các giá trị đó đến với thế giới rộng hơn là con đường rộng mở để tăng tốc khởi nghiệp du lịch.

Dự án khởi nghiệp Adei House phục vụ ẩm thực Chăm cho du khách. Ảnh: NVCC
Dự án khởi nghiệp Adei House phục vụ ẩm thực Chăm cho du khách. Ảnh: NVCC

NHÌN LẠI KHỞI NGHIỆP DU LỊCH

Sau ba năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh (2017 - 2019), Quảng Nam đã có bước tiến đáng kể và tạo được nhiều dấu ấn trong xu thế khởi nghiệp của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Những “viên gạch” đầu tiên

Theo thông tin từ Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, trong các cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp 2018, 2019 - Techfest vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên do Bộ KH-CN tổ chức hay “Thanh niên khởi nghiệp” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, các start-up địa phương đã đoạt 2 giải nhất, 1 giải nhì và nhiều giải phụ khác nhưng phần lớn đều rơi vào lĩnh vực nông nghiệp dược liệu hoặc thủ công mỹ nghệ, chỉ có dự án “Tổ chức tour du lịch cho trẻ em” của Nguyễn Trần Cẩm Giang (quê TP.Hội An) đoạt giải khuyến khích.

Nhìn lại 32 dự án khởi nghiệp cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận trong năm 2018 và 2019, chỉ vỏn vẹn 4 dự án liên quan trực tiếp đến mảng du lịch. Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Chủ nhiệm CLB khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An: "Khởi nghiệp sáng tạo trong ngành du lịch có những khác biệt với những lĩnh vực khác. Du lịch thì rất cần cảm hứng mới để sáng tạo, luôn đòi hỏi phải thay đổi để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng xu hướng, tâm lý khách du lịch”.      

Với lượng khách tham quan lớn khởi nghiệp du lịch ở Quảng Nam có nhiều cơ hội phát triển. Ảnh: L.T
Với lượng khách tham quan lớn khởi nghiệp du lịch ở Quảng Nam có nhiều cơ hội phát triển. Ảnh: L.T

Ông Hồ Việt Hải - CEO Triip.me (một nền tảng du lịch kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới) cho biết: “Ngành du lịch thế giới có giá trị rất lớn nhưng hầu hết hãng lữ hành, doanh nghiệp xuyên quốc gia chưa quan tâm tới việc bảo vệ tài nguyên địa phương khi khai thác, bởi một khi tài nguyên du lịch bản địa cạn kiệt thì họ sẽ tìm hướng chuyển đổi địa điểm còn địa phương sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Và khởi nghiệp du lịch bền vững vừa là cơ hội để các start-up bản địa phát triển kinh doanh vừa là trách nhiệm để bảo vệ tài nguyên du lịch địa phương”.

Rào cản

Khởi nghiệp du lịch dù là một trong 4 lĩnh vực được địa phương khuyến khích, ưu tiên song lại có phần trầm lắng và lép vế. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh nhận định: “Hiện nay phía nam và phía tây của tỉnh còn chưa được khai thác hết thế mạnh du lịch. Hạn chế của du lịch phía nam là cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chưa phát triển mạnh. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa hiệu quả và thiếu nguồn lực. Sản phẩm vẫn còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, khả năng cạnh tranh thấp. Nguồn nhân lực du lịch hạn chế về số lượng và chất lượng, cán bộ quản lý cấp huyện còn mỏng...".

Là một trong những địa phương đang hướng đến phát triển du lịch bền vững, cần những nhà đầu tư và những start-up có trách nhiệm, Tiên Phước cũng như Bắc Trà My, Nam Trà My đều đang gặp nhiều khó khăn để thúc đẩy khởi nghiệp từ du lịch. Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Lợi thế có nhưng chưa được khai thác, phát huy xứng tầm vì thiếu nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nguồn lực đầu tư dành cho du lịch quá hạn chế, quy hoạch du lịch còn chưa bài bản, sản phẩm du lịch chất lượng cao chưa có, hạ tầng du lịch nghèo nàn. Việc liên kết tour tuyến, khai thác và kết nối phát triển du lịch liên vùng con hạn chế. Người dân trong vùng lõi du lịch muốn làm du lịch nhưng lại lúng túng”.

BÀN CHUYỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ

Công nghệ đang là yếu tố then chốt để tăng trưởng sản xuất, khẳng định thương hiệu trên thị trường ở hầu hết lĩnh vực, và du lịch cũng không ngoại lệ.

Ra thế giới nhờ công nghệ

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, khởi nghiệp trong xây dựng sản phẩm rất quan trọng, tuy nhiên khởi nghiệp trong marketing tốt thì sản phẩm đó cũng giữ vị trí hàng đầu để đưa sản phẩm đến du khách. Và công nghệ sẽ là chìa khóa để trở thành trung tâm tư vấn du lịch dịch vụ, marketing kỹ thuật số. Sản phẩm marketing cũng phải mới lạ, riêng có bằng các hình thức phong phú như những câu chuyện lịch sử được kể, phim trường với những cảnh quay lãng mạn, hút mắt du khách khi lần đầu được tiếp cận trên internet, để họ muốn được đến tham quan. Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương được định hướng gắn với phát triển du lịch cũng cần được quảng bá. Nhân lực marketing trong du lịch phải trẻ, giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ để đưa các điểm đến trên bản đồ du lịch vào các ứng dụng về du lịch, các trang web hướng dẫn về du lịch, các cuốn sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet, guideline...

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, khẳng định: "Phát triển du lịch cần bền vững, không tự biến địa điểm du lịch thành “bãi rác”. Phát triển du lịch làm sao mà không băm nát không gian riêng có của những ngôi làng, không làm lai tạp văn hóa. Khi dự án du lịch đầu tư vào cần phải đảm bảo rằng khai thác nhưng phát triển, không phải khai thác một vài năm là hết. Và điều quan trọng mà các start-up du lịch không được quên là công nghệ. Công nghệ đang phát triển mạnh, nên quảng bá trực tuyến thì có thể tiếp cận ngay các thị trường cao cấp như châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Công nghệ có thể giúp cho đơn vị làm du lịch từ khâu quảng bá sản phẩm đến kết nối với khách hàng, hoàn thành giao dịch”.

Nói dễ, làm khó

Ở một số lĩnh vực khác, việc ứng dụng công nghệ đang dần trở nên phổ biến để đưa dự án nhanh chóng tiếp cận khách hàng cũng như nâng tầm giá trị sản phẩm như, Phở sắn Caromi, Đèn gỗ Hoian Lamp… Tuy nhiên, theo ông Lý Đình Quân - CEO Vườn ươm Sông Hàn (Songhan Incubator), có vẻ các start-up địa phương vẫn dựa nhiều vào vốn và tài sản vật lý (tức tài nguyên có sẵn). Ông Quân nhận định: “Khởi nghiệp Quảng Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu tức là thúc đẩy tinh thần doanh nhân và hỗ trợ cho doanh nghiệp có yếu tố sử dụng lợi thế địa phương để phát triển, còn hầu như hàm lượng đổi mới sáng tạo và công nghệ rất hạn chế. Nếu không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho start-up, Quảng Nam sẽ dễ trở thành thị trường nô lệ cho những tập đoàn, công ty có yếu tố công nghệ mạnh hơn”.

Là dự án được tiếp cận với khá nhiều cố vấn, nhà đầu tư thông qua sự hỗ trợ từ Songhan Incubator, hai năm qua, Adei House (du lịch cộng đồng gắn với ẩm thực Chăm) đã tạo được nhiều dấu ấn, bước đầu tạo nền tảng vững chắc cho dự án. Chị Dương Thị Diễm My (quê huyện Duy Xuyên) - người sáng lập dự án Adei House chia sẻ: “Hiện dự án sắp đưa ra những gói trải nghiệm đầy đủ trên các website du lịch có lượng theo dõi lớn cả trong và ngoài nước. Ngoài lợi thế bản địa kết hợp với công nghệ thì tinh thần kiên trì cũng là một yếu tố quan trọng cho việc thất bại hay thành công của dự án”.

Theo đánh giá từ các chuyên gia khởi nghiệp của Songhan Incubator, Adei House khởi nghiệp với tinh thần doanh nhân rất mạnh mẽ, dự án này viết nên và phục hồi câu chuyện về nền ẩm thực Chămpa, sau đó đưa ra mô hình kinh doanh và gắn kết với cộng đồng địa phương rất sáng tạo, tuy vậy vẫn cần thêm nguồn lực và thời gian để hình thành được một doanh nghiệp bền vững. Ông Hồ Ngọc Hải - CEO Triip.me nhìn nhận: “Ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp du lịch là một trong những yếu tố cốt lõi dù vậy đó không phải là điều dễ dàng. Trong quá trình khởi nghiệp, đơn vị chúng tôi đã mất đến hai năm để hoàn thiện một phần mềm công nghệ để có thể cạnh tranh trên thị trường”.

DƯ ĐỊA RỘNG MỞ

Trong khi tiềm năng cần khai phá của địa phương vô cùng rộng mở thì có thể nhận định xu thế khởi nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh mới chỉ chập chững những bước đầu tiên và cần sớm tăng tốc.

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại tỉnh đang phát triển khá mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực du lịch. Đó là tổng hợp tất cả mối liên kết từ chính quyền đến các cơ quan giúp việc, các tổ chức khởi nghiệp, hiệp hội, công ty, nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp... nhằm thúc đẩy cho hoạt động khởi nghiệp. Đây là điều kiện không thể thiếu cho những nhà khởi nghiệp có ý tưởng tốt. Nhà khởi nghiệp có cơ hội rút ngắn thời gian chuẩn bị và tăng tỷ lệ thành công cho dự án.

Liên hệ với các dự án khởi nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh có lời khuyên: “Khi các dự án dựa trên tiềm năng thế mạnh tại chỗ, thì sáng tạo trong sản phẩm du lịch cần suy nghĩ đến việc gìn giữ nguyên gốc, nguyên sơ, tính chất phác chân thực của văn hóa bản địa. Đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, là văn hóa nên không thể đánh mất nó. Đó cũng là cái du khách cần. Phát triển du lịch cần có trách nhiệm với xã hội, khi tôn trọng giá trị cốt lõi thì du lịch sẽ phát triển đúng hướng và bền vững, tránh phát triển ồ ạt mà phá hoại các giá trị nền tảng, phá hoại môi trường sẽ thiếu bền vững. Có như thế mới tạo được giá trị đích thực của sự sáng tạo trong du lịch”.

Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Jack Trần Tours chia sẻ những kinh nghiệm từ chính hành trình khởi nghiệp của mình. Ông Khoa cho rằng làm du lịch chính là bán những cái mà du khách cần, họ cần những dịch vụ trải nghiệm mà họ thích thú. Tùy theo đặc trưng của mỗi vùng miền, có thể tạo nên sản phẩm riêng có để tạo cái nhìn mới lạ đối với du khách.

“Chẳng hạn như làng cổ Lộc Yên có thể tạo nên sản phẩm về lúa nước, vì ở đây có những cánh đồng lúa rất đẹp, ruộng bậc thang rất đặc trưng. Người nước ngoài rất thích thú với những điều mới lạ. Lúa nước trồng trong hơn 3 tháng, thì mình có thể có chút sáng tạo khi ứng dụng công nghệ trong tạo ra sản phẩm. Ta có thể tạo không gian cho ra sản phẩm là hạt lúa, hoặc có thể thêm vào không gian chế biến những món ăn truyền thống từ gạo. Hiện nay, các sản phẩm du lịch nên tập trung phục vụ cho thị trường các nước Bắc Âu, Mỹ, Úc. Như thế thì làng sẽ đến với thế giới qua con đường du lịch” - ông Khoa chia sẻ.

CẦN HÌNH THÀNH MỘT HỆ SINH THÁI BÀI BẢN

Chỉ khi hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp bài bản với đầy đủ thành tố khởi nghiệp bền vững thì khởi nghiệp du lịch Quảng Nam mới có thể tiến những bước vững chắc và mang lại lợi ích thực sự cho start-up và cả cộng đồng.

Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa huyện Tiên Phước và tập đoàn Thiên Minh. Ảnh: L.T
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa huyện Tiên Phước và tập đoàn Thiên Minh. Ảnh: L.T

Nhìn về những người  tiên phong

Với phương thức khởi nghiệp du lịch chủ yếu vẫn dựa vào việc khai thác thô tài nguyên du lịch có sẵn, việc liên kết để tạo ra chuỗi giá trị trong khởi nghiệp du lịch địa phương là hầu như chưa có. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng: “Bài toán về kinh tế chia sẻ vẫn là rào cản với nhiều start-up khi khởi nghiệp, bởi các start-up e ngại việc chia sẻ tri thức sẽ dẫn đến tình trạng bị chèn ép, cạnh tranh mà quên mất việc chỉ khi xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp bài bản thì từng thành tố trong hệ sinh thái đó mới phát triển bền vững được”. Còn theo ông Hồ Ngọc Hải - CEO Triip.me: “Khi đã hướng theo khởi nghiệp du lịch bền vững thì start-up cần xác định đã bước vào con đường rất khó. Thêm nữa, du lịch là một trong những mảng có tỷ lệ đầu tư vốn thấp nhất từ các nhà đầu tư”.    

Nhìn lại người “hàng xóm” Đà Nẵng, trong 5 năm qua hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố này đã có những bước tiến rất mạnh mẽ và chứng tỏ vai trò “đầu tàu” của khởi nghiệp miền Trung. Theo ông Phạm Đức Nam Trung - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng: “Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng hiện đã cơ bản hội tụ đủ các thành tố và bản thân các trung tâm ươm tạo cũng đã thiết lập được những “đường dẫn” để kết nối nhà đầu tư, cố vấn kinh nghiệm trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp địa phương”.

Từ việc hỗ trợ start-up có trọng điểm, khởi nghiệp Đà Nẵng đã thu được nhiều “quả ngọt” trong thời gian gần đây với nhiều dự án có tính thương mại hóa cao, đủ sức cạnh tranh với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn quốc, thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư với thỏa thuận gọi vốn thành công cao nhất của dự án lên đến 500 nghìn USD. Mới đây, dự án “MultiGlass - Kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật” do một cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng sáng lập đã giành ngôi quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam Techfest 2019.

Cần sự hậu thuẫn

Với Quảng Nam, Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy (năm 2016) về phát triển du lịch Quảng Nam đến 2020, định hướng đến 2025 là tiền đề cho sự phát triển của du lịch trong thời gian qua. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh khẳng định rằng các dự án khởi nghiệp về du lịch có sự hậu thuẫn lớn bởi các chính sách. Ông Thanh cho biết: “Tỉnh có cơ quan đầu mối là Tổ Công tác hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và các câu lạc bộ địa phương. Các nhà khởi nghiệp đều có thể liên hệ hỗ trợ từ việc lên ý tưởng, lập dự án, training (huấn luyện) đào tạo cho đến tìm nhà đầu tư, kêu gọi vốn… Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng là một đầu mối quan trọng cho các bạn trẻ, các nhà khởi nghiệp có thể liên hệ tìm hiểu và được tư vấn”. Ông Thanh cho biết thêm, những thành viên làm du lịch lâu năm trong Hiệp hội Du lịch tỉnh sẵn sàng chia sẻ dữ liệu về khách hàng tiềm năng để trợ sức cho các start-up miễn là các start-up chứng minh được các ý tưởng độc đáo và khả thi của mình.

Liên hệ câu chuyện phát triển du lịch tại làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), UBND huyện đã tích cực trong kêu gọi đầu tư, và đã có Tập đoàn Thiên Minh đồng hành trong bước đi của huyện. Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh khẳng định sẵn sàng đầu tư vào những gì Tiên Phước cần, các dự án khởi nghiệp cần. Việc vận hành phát triển phải tuân theo định hướng tỉnh đã ban hành, không phá vỡ những quy định của việc bảo tồn làng cổ. Giữ cho được cảnh quan, thiết chế, linh hồn của làng cổ. Khi phát triển, đầu tư thì các dự án khởi nghiệp cần xem xét cân nhắc giá trị du lịch đạt được và giá trị bào mòn đối với Lộc Yên.

Tập đoàn Thiên Minh đã cam kết cùng huyện Tiên Phước hỗ trợ đào tạo và phát triển các dự án khởi nghiệp, giới thiệu tiềm năng du lịch, hỗ trợ thuê chuyên gia và kinh phí để phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên, xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái và hoạt động sản xuất của người dân... Sự vào cuộc ngay từ đầu này của Thiên Minh được kỳ vọng sẽ giúp cho một miền quê phát triển trong hệ sinh thái du lịch chung của tỉnh. Theo ông Kiên, hiện nay đã có nhiều chính sách trợ sức của chính quyền các cấp, có cộng đồng đổi mới sáng tạo, giúp các start-up giải được các bài toán khó về công nghệ. Sự cam kết, chung tay của lãnh đạo địa phương là điều kiện tốt giúp các dự án khởi nghiệp có thể ra đời và phát triển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng tốc cho khởi nghiệp du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO