Tăng tốc đầu tư ngành dệt may

TRUNG LỘ 26/02/2014 12:57

Một trong những điểm yếu của ngành dệt may Quảng Nam hiện nay là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển; tỷ lệ nội địa hóa đối với một số loại nguyên phụ liệu còn thấp… Để khắc phục tình trạng này, những năm đến UBND tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ tăng cường đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu nhằm gia tăng các sản phẩm dệt may xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp may ở Quảng Nam chủ yếu gia công nên giá trị gia tăng không cao.
Nhiều doanh nghiệp may ở Quảng Nam chủ yếu gia công nên giá trị gia tăng không cao.

Nền tảng

Những năm qua, ngành công nghiệp dệt may của tỉnh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện. Sự ra đời của các doanh nghiệp (DN) dệt may không chỉ góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp mà còn tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 82 DN may công nghiệp, thu hút 21 nghìn lao động, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 20% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhiều DN dệt may đã cố gắng đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới và cải tiến dây chuyền thiết bị công nghệ, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường... Mặc dù gặp không ít khó khăn song hầu hết các DN dệt may đều duy trì sản xuất, từng bước đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Giá trị sản xuất của các DN dệt may năm 2013 ước đạt 3.200 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh…

Những năm gần đây, Quảng Nam có chủ trương vận động các DN, đặc biệt các DN may về đầu tư ở nông thôn. Việc đưa ngành may về nông thôn là một trong những cách tốt nhất huy động nguồn lực xây dựng khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh, trong đó trọng tâm là các xã nông thôn mới. Cùng với Công ty May Tuấn Đạt đầu tư xây dựng các nhà máy ở Tiên Phước, hàng loạt DN may khác trên địa bàn tỉnh đang chuyển hướng đầu tư, mở xưởng may ở các huyện, thậm chí xây dựng nhà xưởng ngay trên địa bàn các xã để tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Mới đây, Công ty May Hòa Thọ đầu tư thêm 2 nhà máy may tại Hiệp Đức, Phú Ninh..., Công ty TNHH Dệt may thương mại Tấn Minh (đóng tại thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã xây dựng thêm 5 nhà máy may ở các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên..., giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương. Công ty May Kim Anh liên doanh đã đầu tư xây dựng nhà máy ở Tam Phước (Phú Ninh)....

Vấn đề đáng lo hiện nay là hầu hết DN dệt may trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất hàng gia công cho các DN nước ngoài nên bị lệ thuộc về thị trường và chịu nhiều thua thiệt hơn so với DN sản xuất làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Nhiều DN chưa ký được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp nên vẫn phải ký hợp đồng thông qua các DN xuất khẩu đầu mối khác. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may tuy lớn nhưng chủ yếu là hàng gia công, giá trị gia tăng rất thấp.  

Tăng tốc đầu tư

Những năm gần đây, ngành dệt may đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, do phát triển dựa nhiều vào lợi thế về nguồn nhân lực nên ngành dệt may vẫn mang tính chất gia công, giá trị gia tăng và lợi nhuận của ngành còn thấp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành dệt may. Theo đó, các dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may sẽ được ưu tiên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất, giá thuê đất thích hợp; trong các khu, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, khâu xử lý rác thải môi trường. Các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao sẽ được Nhà nước tạo điều kiện tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm.

Cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, phấn đấu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may xuống mức 50% và đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 6.800 tỷ đồng; hình thành Trung tâm Dệt may Quảng Nam với các nhà máy thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từ nay đến năm 2020, Quảng Nam sẽ quy hoạch khoảng 10.000ha trồng cây nguyên liệu bông, trong đó giai đoạn đầu sẽ triển khai trồng khoảng 2.000ha cây bông. Dự kiến năm 2020 doanh thu từ sản xuất của các nhà máy may sẽ đạt từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 200 triệu USD và giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động. Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu và các dự án về trồng cây nguyên liệu, cây bông trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Quảng Nam có kế hoạch lập danh mục ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư như dự án đầu tư nhà máy sợi Hương An - Quế Sơn với công suất 30.000 cọc, dự án nhà máy dệt nhuộm với công suất 22 triệu mét/năm, dự án nhà máy dệt vải với công suất 6 triệu mét vuông/năm.... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, mục tiêu cuối cùng của việc tăng tốc đầu tư là nhằm hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các DN trong ngành dệt may với quy trình khép kín sản xuất, từ sợi dệt - nhuộm hoàn tất - may đồng thời chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm).

Những chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự tiếp tục nỗ lực đầu tư phát triển các khâu sản xuất phụ trợ, chắc chắn sẽ giúp ngành dệt may ở Quảng Nam phát triển theo đúng quy hoạch, tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn.

TRUNG LỘ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng tốc đầu tư ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO