Mới đây, tại tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị về công tác gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Các đại biểu cho rằng cả nước nói chung cần tăng tốc thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp để gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong thời gian tới.
Xuất khẩu chịu ảnh hưởng xấu
Ngày 23.10.2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản chế biến của nước ta xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đến nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan và địa phương đã nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” bằng các nhóm giải pháp là hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác quản lý tàu cá, giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác. Tuy vậy, thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, xuất khẩu hải sản chế biến sang thị trường EU giảm rõ rệt.
Cụ thể, năm 2018 giảm 6%, năm 2019 giảm 15% và 9 tháng năm 2020 giảm 13%. Dự báo cả năm 2020, giá trị xuất khẩu hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019 và doanh số giảm 28% so với năm 2017. Từ năm 2018, khi Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản, thị trường EU từ vị trí số 2 trong xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, điểm nghẽn là đến nay nước ta vẫn chưa được EC gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Muốn giải quyết vấn đề này, bắt buộc Việt Nam phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) và được EC ghi nhận.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, EU là thị trường rất tiềm năng đối với ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của Quảng Nam. EC cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản không chỉ khiến doanh nghiệp chế biến thủy sản lao đao mà còn ảnh hưởng xấu đến sinh kế của người lao động và cộng đồng ngư dân. Giá trị hải sản sau khai thác của Quảng Nam cũng vì thế mà suy giảm.
Theo ông Ngô Tấn, chỉ khi gỡ được “thẻ vàng” thủy sản thì xuất khẩu hải sản sang EU mới thuận lợi trở lại. Tính xa hơn, các thị trường khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng đang kiểm soát chặt vấn nạn khai thác IUU. “Không còn cách nào khác, Quảng Nam phải gấp rút triển khai các giải pháp thiết thực để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, hướng đến phát triển nghề cá bền vững” - ông Ngô Tấn nói.
Cần đồng bộ vào cuộc
Theo Tổng cục Thủy sản, qua 2 cuộc họp trực tuyến vào tháng 6 và tháng 10 năm nay với các cơ quan chức năng của nước ta, đoàn thanh tra EC đã chỉ ra nhiều vấn đề mà Việt Nam chưa thể khắc phục triệt để. Đó là công tác kiểm soát tàu cá, cụ thể vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Việc giám sát sản lượng khai thác chưa chặt chẽ; nhất là chưa đảm bảo 100% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa. Thực thi pháp luật trong chống khai thác IUU ở mỗi địa phương trên phạm vi cả nước khác nhau, chưa thống nhất…
Riêng đối với Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT đã ghi nhận 24 trường hợp tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển mà không có tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình, 9 trường hợp tàu cá sang phạm vi vùng biển của nước bạn để khai thác hải sản. Trong khi đó, với các trường hợp sai phạm, đến nay cơ quan chức năng cũng chỉ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở chứ chưa xử phạt để răn đe.
Hiện tại, rất nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam vẫn chưa đăng ký để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc hải sản sau khai thác vẫn ì ạch tại Quảng Nam. Bộ NN&PTNT chỉ định cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) là nơi truy xuất nguồn gốc hải sản nhưng bất cập là ở cảng cá này chỉ tập trung duy nhất tàu cá của nghề câu mực khơi - không xuất khẩu sang EU, thậm chí xuất khẩu không chính danh qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Các nghề có sản phẩm xuất khẩu sang EU là lưới vây, lưới chụp, lưới rê... hầu hết chỉ cập bờ, bán cá ở các cầu cảng tư nhân không có chức năng truy xuất nguồn gốc hải sản.
Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Nam cho rằng, cần kiên quyết ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Đây là một trong những nội dung bắt buộc hàng đầu để phía EC có thể xem xét gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Bởi vậy, thời gian tới, ngành thủy sản sẽ huy động các địa phương có nghề cá tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU.
Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác hải sản, vẫn ra khơi đánh bắt hải sản. Nhiều tàu cá, nhất là nghề lưới chụp đăng ký sản xuất ở vùng biển xa bờ nhưng chủ yếu lại hoạt động ở tuyến lộng. Trong khi đó, mặc dù Nghị định 42 của Chính phủ đã ghi rõ nhiều mức xử phạt khác nhau cho các trường hợp khai thác hải sản không đúng quy định nhưng đến nay việc triển khai vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi vậy, để tăng tốc cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Quảng Nam cần vào cuộc đồng bộ với các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả thực thi.