Phải nhanh chóng tiêm hết số vắc xin được nhận cũng như đạt độ bao phủ vắc xin cho toàn bộ dân số trên 18 tuổi trong tháng 12 này, là yêu cầu được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đưa ra tại Phiên làm việc thứ 3 của Ban Chỉ đạo Covid-19 cấp tỉnh vào hôm qua 2.12.
Có dấu hiệu lơi lỏng trong chống dịch
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, đã có dấu hiệu lơi lỏng trong công tác phòng chống dịch ở các địa phương.
“Sau một thời gian yên ắng, hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng ở cơ sở đã giảm hẳn. Thời gian tới, các địa phương phải sử dụng công nghệ để quản lý người ra vào địa phương, người đã tiêm vắc xin... Phải có giải pháp thích ứng trước tình hình dịch bệnh ngoài cộng đồng hiện đang phức tạp” - ông Nguyễn Đức Dũng nói.
Công an tỉnh đã đề xuất và thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ mỗi tuần 1 lần đối với toàn thể lực lượng. Ông Dũng cũng đề xuất Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện xét nghiệm định kỳ cho cán bộ, viên chức trong thời gian tới.
Theo báo cáo từ Sở Y tế, từ ngày 1.11 đến 29.11, Quảng Nam có 1.585 ca mắc và có đến 685 ca bệnh cộng đồng. Cho đến cuối tháng 11, số vắc xin thực nhận của Quảng Nam so với số vắc xin theo quyết định chỉ mới đạt 1,5 triệu liều/2,1 triệu liều. Số người được tiêm chỉ đạt 83,3% với khoảng hơn 1 triệu người.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, một số địa phương triển khai tiêm vắc xin chậm, chưa kịp thời, đặc biệt với các địa phương khi xuất hiện các ca F0 trên địa bàn.
“Về công tác cách ly y tế, điều trị F0, một số địa phương vẫn chưa chủ động trong xác định địa điểm, chuyển đổi công năng điều trị, bố trí cơ sở cách ly, theo dõi, điều trị F0 theo chủ trương của tỉnh. Ngoài ra, việc thanh toán BHYT đối với các bệnh lý kèm theo khi điều trị F0 vướng mắc về thủ tục pháp lý, cấp mã khám chữa bệnh, ký hợp đồng khám chữa bệnh giữa cơ sở được thiết lập và với cơ quan bảo hiểm xã hội…” - ông Mai Văn Mười nói.
Ông Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, nếu nhìn vào tiền sử tiêm chủng của các F0 trên địa bàn tỉnh, ngoại trừ số lượng học sinh thì số bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin còn đến 1/3. “Vậy liệu con số này có chênh lệch so với độ phủ vắc xin trên toàn tỉnh theo số liệu thống kê?” - ông Nguyễn Chín đặt câu hỏi.
Đây cũng là nhìn nhận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khi ông cho rằng, việc tiêm vắc xin ở một số địa phương hiện còn chậm và lúng túng. “Các địa phương phải triển khai tiêm vắc xin từ trạm y tế, ở những vùng khó khăn phải tổ chức trạm tiêm lưu động” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Cán bộ, đảng viên phải nêu gương
Tại phiên làm việc, nhiều ý kiến cho rằng công tác giám sát ở các tổ cộng đồng cần được triển khai trở lại cũng như việc quản lý người từ các tỉnh thành khác trở về phải được quan tâm hơn.
Riêng đối với công tác tiêm chủng, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho rằng, cần phải có lực lượng hỗ trợ và nhập liệu về công tác tiêm chủng cùng với nhân viên y tế thực hiện trực tiếp việc tiêm chủng hiện nay.
Trong thời gian tới, khi tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em, ngành giáo dục khẩn trương phối hợp với ngành công an cấp mã định danh cho các em để cập nhật số liệu tiêm chủng.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị, khi triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em, Ban chỉ đạo ở các địa phương phải thành lập Ban chỉ đạo tiêm chủng và tăng cường vai trò của giáo dục.
“Tôi đề nghị bổ sung Sở GD-ĐT vào Ban chỉ đạo tiêm chủng của tỉnh. Đối với các địa phương, ngành giáo dục phải phối hợp với cơ sở để nắm chắc số lượng học sinh tiêm vắc xin, vắc xin về tới đâu triển khai tiêm ngay tới đó” - ông Văn nói.
Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021 và triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả là nội dung được Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, giám sát các trường hợp áp dụng các biện pháp cách ly y tế để đảm bảo không lây nhiễm ca bệnh ra cộng đồng, chủ động bố trí nguồn kinh phí để thiết lập các cơ sở cách ly điều trị F0 tại địa phương.
“Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Thời điểm này, tôi đề nghị các đơn vị, cơ quan hạn chế tổ chức, tham gia tiệc tùng, liên hoan...
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị đã thành lập tổ phòng chống Covid-19 phải tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp định kỳ cho cán bộ, viên chức. Dừng toàn bộ hoạt động karaoke, các cơ sở dịch vụ dễ lây nhiễm...” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.