(VHQN) - Các bảo tàng sử dụng công nghệ số để tăng tính trải nghiệm, tương tác với du khách. Cũng chính công nghệ này khiến không gian bảo tàng vượt lên chức năng bảo quản hiện vật, di sản để lan tỏa những câu chuyện của lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, với Quảng Nam, việc song hành giữa bảo tàng và công nghệ còn độ vênh khá lớn...
Đa dạng ứng dụng
Tháng 6/2023, chị Nguyễn Tú Danh (sống tại TP.Đà Nẵng) đưa con mình đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.Hồ Chí Minh). Để thuận tiện tham quan vì quỹ thời gian có hạn, chị lựa chọn thuê máy thuyết minh tự động bao gồm tai nghe, bộ điều khiển và sơ đồ tham quan. Ở từng gian trưng bày, dưới những hình ảnh đều có số tương ứng, chị Danh chỉ cần nhấn số trên máy thì sẽ có thuyết minh về chính hình ảnh hay hiện vật.
Khi đến gian trưng bày tội ác chiến tranh, ở di tích Chuồng Cọp, công nghệ hologram trình chiếu 3D hỗ trợ tạo cảm giác người xem như đang đứng trên chính di tích, bên dưới là những chí sĩ cách mạng đang bị giam cầm, với các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh.
“Tôi nghe được tiếng máy bay ầm ầm trên không lẫn tiếng dội của đạn bom. Tôi nhìn thấy cảnh tượng giam cầm các chiến sĩ... Nhiều hình ảnh khi nhìn vào sẽ không có cảm xúc mạnh khi được nghe câu chuyện thuyết minh, kết hợp cùng âm thanh hiện trường” - chị Nguyễn Tú Danh nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ở cấp độ địa phương, nên lựa chọn chủ đề đặc sắc, thế mạnh của mỗi bảo tàng để từng bước áp dụng công nghệ.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong số các bảo tàng đang áp dụng công nghệ mạnh mẽ tại TP.Hồ Chí Minh để thu hút du khách.
Làm mới mình từ chính các ứng dụng công nghệ đa dạng cũng chính là điều đang được các bảo tàng của Việt Nam hướng tới. Nhìn nhận từ Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), nhiều bảo tàng ở Việt Nam đã bắt đầu tích hợp công nghệ vào trải nghiệm của khách tham quan cũng như bảo quản hiện vật.
Một số bảo tàng cung cấp ứng dụng di động để khách tham quan có thể tải về trên điện thoại bao gồm hệ thống thuyết minh tự động hoặc quét mã QR trước mỗi gian trưng bày hay hiện vật.
Ứng dụng này thường cung cấp hướng dẫn âm thanh, thông tin chi tiết về các hiện vật và có thể đi kèm với chức năng tương tác. Cùng với đó, một hệ thống tương tác bao gồm tích hợp màn hình cảm ứng, sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo mở rộng (AR) để tạo ra trải nghiệm tham quan độc đáo.
Địa phương chờ bắt nhịp
Năm 2022, lần đầu tiên Bảo tàng Quảng Nam tổ chức triển lãm trực tuyến chuyên đề 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm. Ngay lúc này, site “Triển lãm ảo 420 năm dinh trấn Thanh Chiêm” vẫn còn hiện diện tại website Bảo tàng Quảng Nam.
Từ tiếng đến hình, một “Dinh trấn Thanh Chiêm” được phác họa đầy đủ bằng công nghệ mang đến cơ hội tiếp cận lượng tri thức về lịch sử, văn hóa vùng đất Thanh Chiêm một cách đầy đủ nhất. Người quan tâm chỉ cần cú nhấp chuột đã có thể nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật, giá trị của vùng đất dinh trấn được thu thập và biên tập kỹ lưỡng từ bảo tàng.
Tuy nhiên, nếu ví công nghệ số bảo tàng như một bậc thang thì Bảo tàng Quảng Nam mới chỉ ở những nấc đầu tiên. Hầu như hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam hiện tại chỉ mới ở dạng trưng bày tĩnh.
Sở hữu hơn 30 nghìn hiện vật, chưa kể bảo vật quốc gia, cộng với các gian trưng bày cố định đã có đề cương hoàn chỉnh theo mạch chuyện của giá trị văn hóa, nhưng gần như Bảo tàng Quảng Nam vẫn chưa có cơ hội để “làm mới mình”. Tại Bảo tàng Quảng Nam hiện có một số đơn vị hỗ trợ để dán mã QR cho một số hiện vật hoặc gian trưng bày đặc sắc.
Ở khâu quản lý, bảo quản hiện vật, từ nhiều năm nay, Bộ VH-TT&DL đã triển khai các cuộc tập huấn để đào tạo sử dụng phần mềm của Cục Di sản văn hóa mang tên “Hệ thống thông tin quản lý hiện vật” và “Hệ thống thông tin quản lý di tích” với tham vọng đồng bộ cơ sở dữ liệu tại tất cả cơ sở văn hóa trên toàn quốc.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, bộ phần mềm này lại khó tương thích với các loại hình bảo tàng khác nhau. Đây cũng là vấn đề Bảo tàng Quảng Nam gặp phải khi cần những trường thông tin đặc thù nhưng phần mềm lại không có.
“Công nghệ số” bảo tàng vẫn là một thách thức với các địa phương khi nguồn lực về hạ tầng công nghệ lẫn nhân lực là một hạn chế. Trước câu chuyện kinh phí bảo tồn eo hẹp, nhiều chuyên gia cho rằng, ở cấp độ địa phương, nên lựa chọn chủ đề đặc sắc, thế mạnh của mỗi bảo tàng để từng bước áp dụng công nghệ.
Ví như văn hóa Champa là giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Nam thu hút người xem, cũng như số lượng hiện vật, bảo vật quốc gia mà Bảo tàng Quảng Nam đang có ở nền văn hóa này, thì hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ số để vừa quản lý hiện vật, vừa tổ chức trưng bày ảo tạo cơ hội tiếp cận đa diện cho người quan tâm...