Tăng trưởng kinh tế năm 2022: Những dự báo khả quan

TRỊNH DŨNG 13/10/2022 06:45

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam 9 tháng qua đã đạt 13,2%. Kế hoạch tăng từ 7,5 - 8% năm 2022 sẽ dễ dàng đạt được.

Công nghiệp, xây dựng, chế biến chế tạo luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế và đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tốc độ GRDP của Quảng Nam. Ảnh: T.D
Công nghiệp, xây dựng, chế biến chế tạo luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế và đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tốc độ GRDP của Quảng Nam. Ảnh: T.D

Tăng liên tiếp trên 2 con số

Cục Thống kê thông báo ước tính GRDP quý III/2022 của Quảng Nam tăng khoảng 18,7% so cùng kỳ năm 2021 (quý I tăng 10,4% và quý II tăng 10,8%). Theo số liệu này, 3 quý đầu năm 2022 đều có tốc độ tăng liên tiếp trên 2 con số.

Khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ của các quý sau đều tăng cao hơn quý trước. GRDP của Quảng Nam 9 tháng qua đã tăng 13,2% (con số này của năm 2021 chỉ khoảng 5,1%).

Theo các phân tích, công nghiệp sản xuất và phân phối điện có mức tăng trưởng cao nhất (34%) đóng góp 1,8 điểm phần trăm. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy có mức tăng trưởng thấp hơn công nghiệp sản xuất và phân phối điện (chỉ 24,3%) nhưng đóng góp nhiều nhất cho mức tăng trưởng chung với 5,3 điểm phần trăm. Ngành này luôn có tỷ trọng cao và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế địa phương.

Sản xuất ô tô và xe có động cơ tăng mạnh nhất (gần 40%). Du lịch, dịch vụ (lưu trú, ăn uống...) tăng 33,5%, đóp góp 0,76 điểm phần trăm. Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 8,6%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm.

Tăng trưởng mạnh nhất thuộc về khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 32,5% (quý I tăng 12,4% và quý II tăng 20,1%), trong đó công nghiệp tăng gần 40,7% (quý I tăng 14% và quý II tăng 23%). Khu vực dịch vụ tăng 14,1% (quý I tăng 3,4%, quý II tăng 6,8%). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,5% (quý I tăng 20,5% và quý II tăng 11,1%). Khu vực nông - lâm - thủy sản ổn định, tăng trưởng khoảng 3,7% (quý I tăng 3,8%, quý II giảm 0,4%).

Ông Lê Nho Hùng - Cục phó Cục Thống kê nói đây là kết quả khá cao. Việc giảm thuế trước bạ (từ 1/12/2021 đến 31/5/2022) cho ô tô lắp ráp trong nước đã tạo động lực cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô địa phương phục hồi mạnh mẽ. Khu vực du lịch dịch vụ “sụp đổ” trong đại dịch đã trở lại “đường đua” sôi động không kém gì thời điểm trước Covid-19

Thống kê này ghi nhận Quảng Nam xếp vị thứ 8/10 tỉnh thành có tốc độ tăng GRDP hơn 11%. Tỷ lệ này cao hơn bình quân chung cả nước (8,8%). Xếp vị thứ 4/14 tỉnh thành khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 2/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng 16,8%).

Quy mô kinh tế Quảng Nam chiếm vị thứ 19/63 tỉnh thành Việt Nam, 4/14 tỉnh thành khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thứ 2/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tỷ lệ thu ngân sách trên GRDP của Quảng Nam là 26,2% (con số này của cả nước là 19,4%). Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP là 32,1% (cả nước 31,1%). Năng suất lao động xã hội 102 triệu đồng/lao động, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2021, nhưng còn thấp hơn bình quân cả nước (135,5 triệu đồng/lao động), xếp vị thứ 3/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (trên Bình Định - 91,3 triệu đồng và Thừa Thiên Huế - 86,3 triệu đồng).

Dễ dàng đạt kế hoạch tăng trưởng

Khảo sát của Cục Thống kê cho thấy các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ có xu hướng tốt lên nhiều ở quý IV so với quý III (52,6%, tăng 6,5%). Từ các dữ liệu, các yếu tố thị trường, xu hướng kinh doanh, Cục Thống kê dự báo GRDP quý IV/2022 chỉ tăng 10,3%, thấp hơn tốc độ tăng đến 16,9% của quý IV/2021.

Trừ khu vực du lịch, dịch vụ dự báo sẽ tăng 7,2% so với quý IV/2021 (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 1,4%) nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường khách..., tất cả khu vực còn lại đều có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với quý IV/2021.

 

Cụ thể, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,8% (công nghiệp tăng 15,5%), so với mức tăng lần lượt là 5,6%, 16,8% và 19,8% của cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng chỉ tăng 10,3% so với mức tăng 44,6% của cùng kỳ năm trước.

Tại sao lại có chuyện bất thường về tốc độ tăng trưởng GRDP quý IV khi xu hướng kinh doanh đều khả quan? Ông Lê Nho Hùng cho hay, dự báo tăng trưởng quý IV thấp hơn cùng kỳ năm trước ở khu vực nông - lâm - thủy sản dựa vào thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Còn khu vực công nghiệp và xây dựng cũng sẽ gặp bất lợi từ thời tiết, số vốn đổ vào nền kinh tế theo các dự án đầu tư sẽ ít, chính sách giảm thuế trước bạ ô tô đã hết hiệu lực từ tháng 5/2022

Nếu quý IV tăng như dự báo (10,3%), thì cả năm 2022 sẽ tăng hơn 12,3%. Tỷ lệ này vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2022 (7,5 - 8%). Một phân tích khác cho thấy, công nghiệp và xây dựng sẽ chiếm 35,8%, dịch vụ 31,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 19,7% và nông - lâm - thủy sản sẽ chiếm 12,7% trong cơ cấu kinh tế địa phương năm 2022.

Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) 117 nghìn tỷ đồng, cao hơn năm 2019 gần 18 nghìn tỷ đồng (cao hơn kế hoạch đã ấn định là 110 - 113 nghìn tỷ đồng đến năm 2025), GRDP bình quân 77 triệu đồng/người và năng suất lao động 144 triệu đồng/lao động.

 Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói, cần thu hút các doanh nghiệp lớn về địa phương. Hiện tại, doanh nghiệp nhiều nhưng nhỏ. Thiếu doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Tính cạnh tranh không cao. Doanh nghiệp chủ yếu ở Chu Lai. Nếu loại trừ khu vực này thì gần như không có gì?

TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm vùng Duyên hải miền Trung khuyến cáo công nghiệp đang dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam, nhưng vẫn là những ngành công nghiệp ở nấc thang thấp, hiệu quả không cao. Chủ yếu là những ngành dựa vào khai thác tài nguyên và tiểu thủ công nghiệp.

GRDP sẽ vượt kế hoạch. Dù chưa thể tìm được điểm cân bằng, thiếu các biện pháp kích thích nền kinh tế, nhưng cho phép lạc quan về cơ hội phát triển. Ai sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này?

Trong một phỏng vấn, Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho hay, tăng trưởng GRDP và chất lượng cuộc sống quan hệ khắng khít, tác động lẫn nhau. Phần lớn, tăng trưởng kinh tế sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn (vật chất và tinh thần), tạo việc làm và tăng thu nhập cho xã hội, tăng thu ngân sách để nhà nước tiếp tục đầu tư cho phát triển, phân phối lại thu thập cho những đối tượng yếu thế của xã hội…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng trưởng kinh tế năm 2022: Những dự báo khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO