Thu ngân sách vượt tiến độ, nhưng mức lan tỏa tác động lớn về độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp, chỉ tiêu GRDP quá thấp… là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX, khai mạc hôm qua 17.7.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh 6 tháng qua tăng gấp 2,6 lần, tăng mạnh nhất thuộc về ngành sản xuất có động cơ (81%). Ảnh: T.DŨNG |
Những điểm sáng
Không chỉ Trường Hải đưa 3 nhà máy sản xuất xe bus công suất thiết kế 20.000 xe/năm, nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda mới công suất 50.000 xe/năm, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp vào hoạt động, nhà máy bia Heineken, Vinpearl được đưa vào hoạt động ngay trong những tháng đầu năm 2018 và “sự trỗi dậy” của nhiều doanh nghiệp khác đã trở thành chỉ dấu quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Quảng Nam trong vòng 6 tháng qua. Động lực từ cộng đồng doanh nghiệp đã đưa đến giá trị sản xuất công nghiệp hơn 39.137 tỷ đồng (tăng 4,3% so cùng kỳ). Ngoại trừ ngành khai khoáng, sản xuất, phân phối điện giảm vì doanh nghiệp gặp khó tiêu thụ sản phẩm, giảm quy mô sản xuất, ngành điện sản xuất theo kế hoạch điều động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 8,1%, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 12,3%).
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã tăng gấp 2,6 lần. Tăng mạnh nhất thuộc về ngành sản xuất có động cơ (81%), sản xuất các cấu kiện bằng kim loại (66,5%), sản xuất hàng may sẵn (68,8%), chế biến và bảo quản thủy sản (54,2%) và sản xuất linh kiện điện tử tăng 22,5%. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng không hề kém cạnh khi tăng hơn 11% so cùng kỳ. Lượng khách tham quan, lưu trú tăng đến 15,6% (khách quốc tế tăng gần 20%) và doanh thu khách sạn, nhà hàng tăng 11%. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp gia tăng 3,5%. Vụ đông xuân được mùa, sản lượng lúa tăng 5,7 nghìn tấn. Sản lượng một số cây trồng khác tăng khá và tổng đàn gia súc đang có dấu hiệu phục hồi... Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, kinh tế Quảng Nam ổn định và có tăng trưởng. Hiệu quả đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, tăng trưởng khá tốt nên thuận lợi trong việc động viên các nguồn thu vào ngân sách nhà nước.
Theo thống kê, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2018 đạt 11.325 tỷ đồng (8.493 tỷ đồng nội địa), bằng 54,8% dự toán, cao hơn nhiều cùng kỳ năm trước cả về số thu và tiến độ thu. Khá nhiều sắc thuế thu đạt tiến độ, tăng cao so cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu hơn 2.832 tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán. Một vài con số khác cũng cho thấy độ lạc quan của tăng trưởng kinh tế Quảng Nam khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 13.082 tỷ đồng, tăng hơn 30,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm đến 32% GRDP, nhưng vốn nhà nước đã giảm được 2,98% và vốn ngoài nhà nước lại tăng hơn 35% (5.535 tỷ đồng) và vốn FDI cũng tăng hơn 2 lần (2.748 tỷ đồng).
Chặng cuối gian nan
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư nói, chỉ tiêu đặt ra tăng trưởng GRDP năm 2018 mức 8 - 8,5% nhưng 6 tháng qua chỉ mới đạt 5,66% là quá thấp. Theo ông Phong, kinh tế Quảng Nam không còn lạc quan như trước nữa bởi đã có sự bão hòa, nên tăng trưởng phải chậm lại, không thể tăng trưởng liên tục hơn 10% mãi được. |
Vài con số thống kê trên được cho có phần sáng sủa nhưng vẫn có những “điểm yếu” trong tăng trưởng kinh tế Quảng Nam. Không chỉ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư 6 tháng qua không đạt tiến độ dự toán (chỉ 46%), nguồn đầu tư cân đối địa phương chỉ giải ngân 40% và nguồn vốn trung ương có bổ sung giải ngân quá thấp khi chỉ đạt 52% - một dấu hiệu khá bất thường về năng lực doanh nghiệp. Trong khi số lượng gia nhập thị trường tăng chưa đáng kể (29%) thì số lượng doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, giải thể và gửi thông báo tạm ngừng hoạt động tăng đến 35% (500 doanh nghiệp). Con số này chưa có dấu hiệu dừng lại đã đặt ra nhiều câu hỏi về sức sống của thị trường, môi trường đầu tư Quảng Nam. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh nói, thẩm tra của HĐND tỉnh cho thấy mức tăng trưởng của Quảng Nam thấp hơn mức bình quân cả nước khi GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh chỉ tăng 5,66%, trong khi cả nước tính tăng 7,08% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù, quy mô nền kinh tế đạt 40.790 tỷ đồng, chỉ xếp sau Đà Nẵng, cao hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực, song dự báo khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm của Quảng Nam còn khó khăn và đối diện nhiều thách thức. Tình trạng thiếu ổn định về đầu ra khiến nông sản thường lặp đi lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đã có không ít người sản xuất phải kêu gọi giải cứu nông sản, trong khi đó vai trò định hướng sản xuất, dự báo thị trường còn khá mờ nhạt.
Trong 6 tháng qua GRDP của tỉnh chỉ tăng 5,66%, nếu muốn đạt chỉ tiêu kế hoạch là 8 - 8,5% thì 6 tháng cuối năm phải đạt đến mức gần 11,9%. Đây là một điều thực sự khó khăn. Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng, năng lực doanh nghiệp hiện có khả năng phát triển nhưng không bù đắp được cho ô tô khi dòng xe tải giảm rất sâu và xe du lịch không sản xuất hết năng lực thực tế (chỉ khoảng 1/3). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 4% không thể gọi là “đạt kỳ vọng”, bởi giá trị của ngành này chiếm đến 1/3 tỷ trọng sản xuất toàn Quảng Nam. Thu ngân sách tăng nhưng phần lớn là thuế tiêu thụ đặc biệt, không biểu hiện được độ tăng trưởng năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Còn đầu tư, xây dựng tăng, nhưng lượng vốn đầu tư giải ngân cũng chỉ chạy vào xây dựng, chưa thể hiện được giá trị sản xuất công nghiệp. “Còn số doanh nghiệp mới thành lập, vốn đăng ký quá nhỏ. Ai cũng nói tăng ngân sách là chỉ dấu của tăng trưởng kinh tế, nhưng những thống kê ấy không phản ảnh hết năng lực của nền sản xuất kinh doanh. Việc thu ngân sách cao không quyết định hoàn toàn cho tăng trưởng kinh tế. Sẽ không có thêm những yếu tố đột biến, nên để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP như kế hoạch là rất khó. Phải cần đến những doanh nghiệp như Thaco mới may ra có thể có thêm động lực tăng trưởng” - ông Đạt nói.
TRỊNH DŨNG