Tăng trưởng xanh trong mắt chuyên gia

HỨA CHUNG 03/07/2013 09:04

Nghiên cứu kỹ cơ chế, chính sách và kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là giải pháp tốt nhất để thực hiện “giấc mơ” tăng trưởng bền vững cho Quảng Nam.

Lập kế hoạch

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chiến lược tăng trưởng xanh vẫn là ý tưởng mới tại Việt Nam. Một cơ chế, chính sách phù hợp, cộng thêm nỗ lực khá nhiều của chính quyền trong việc kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về mặt kỹ thuật, tài chính… mới có thể mong thực hiện thành công chiến lược này tại Quảng Nam. TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng triển khai chiến lược tăng trưởng xanh trong việc phát triển các ngành công nghiệp ít cacbon, công nghệ sạch… rất khó thực hiện, dù đó là bước đi đúng. “Ngay cả các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam cũng chỉ có khoảng 5% sử dụng công nghệ sạch. Muốn chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh thì 70% phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, còn vai trò địa phương chỉ chiếm khoảng 30%” - ông Lịch nói.

Hội An sinh thái được xem là mô hình hấp dẫn cho chiến lược tăng trưởng xanh.  Ảnh: H.CHUNG
Hội An sinh thái được xem là mô hình hấp dẫn cho chiến lược tăng trưởng xanh. Ảnh: H.CHUNG

Trong một góc nhìn khác, TS. Myung Kyoon Lee - Giám đốc quy hoạch và thực hiện tăng trưởng xanh (Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu) cho rằng khi lựa chọn chiến lược này, Quảng Nam cần một kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa đầu tư khi nguồn lực hạn chế. Theo ông Myung Kyoon Lee, có 6 giải pháp mà Quảng Nam có thể tham khảo để thực hiện chiến lược phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Đó là, xây dựng cụm công nghiệp và đô thị làm chất xúc tác phát triển kinh tế; phát triển du lịch bền vững; phát triển hạ tầng nhằm phục vụ phát triển hiệu quả và công bằng; tích hợp quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với liên kết đô thị - nông thôn. “Tuy nhiên, thành công của chiến lược này phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản trị, hiệu lực quản lý của Nhà nước và ý thức của cộng đồng dân cư. Cần một cuộc tuyên truyền rộng rãi để người dân hưởng ứng chính sách và tham gia giám sát” - ông Myung Kyoon Lee nói.

Giám đốc tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam Đỗ Thị Thanh Huyền cho rằng, Quảng Nam nên quan tâm hơn nữa với khối tư nhân. Họ không chỉ là đối tác đầu tư tiềm năng quan trọng, mà có thể sẽ phối hợp cùng chính quyền trong việc tuyên truyền thông điệp của địa phương cho khách hàng của họ. Chẳng hạn, chỉ cần các công ty du lịch, khách sạn lớn luôn có hướng dẫn khách hàng sử dụng tiết kiệm nước, điện… cũng là một hình thức hỗ trợ tuyên truyền khá tốt trong chiến lược tăng trưởng xanh của địa phương. Điều này sẽ góp phần khá tốt trong việc tuyên truyền cho du khách biết cách bảo vệ môi trường, giúp doanh nghiệp nâng cao tính trách nhiệm xã hội mà chính quyền Quảng Nam không cần bỏ một khoản tiền lớn để hỗ trợ đầu tư.

Chọn “điểm nhấn” đầu tư

Theo TS. Trần Du Lịch, Quảng Nam cần nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu sử dụng công nghệ sạch, chất lượng cao với mục tiêu tăng trưởng nhanh. Các chính sách Trung ương phải hướng về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ sạch, chính sách thuế…, kể cả chính sách cho doanh nghiệp để tạo động lực. “Quảng Nam cần lựa chọn một số khu công nghiệp, đô thị để thực hiện mô hình thí điểm. Xu thế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh từ chính sách, nguồn vốn hỗ trợ… sẽ được bộc lộ trong quá trình xây dựng, thực hiện mô hình. Từ đó, địa phương sẽ có cơ sở để kiến nghị với Trung ương tìm hướng đầu tư phù hợp hơn” - ông Lịch nói

Với kinh nghiệm quan sát, làm việc và nghiên cứu thể chế tại một thành phố xếp hạng bền vững số 1 Hoa Kỳ, GS. Marcus Ingle - Trung tâm Dịch vụ công thành phố Portland (bang Oregon, Hoa Kỳ) cho rằng, cốt lõi đầu tư tăng trưởng xanh phải là một cuộc kết hợp hoàn hảo, linh hoạt các cơ chế kết hợp giữa nhu cầu, khu vực đầu tư. Các quy trình chu kỳ đầu tư phải được đơn giản hóa với vai trò và trách nhiệm rõ ràng. Việc minh bạch các ưu đãi hấp dẫn lẫn rủi ro đầu tư và các lợi ích trước mắt và lâu dài cần được công khai rõ ràng với tất cả các bên tham gia hợp tác. “Khi có đủ các yếu tố trên, các nhà đầu tư sẽ chấp nhận “dốc” túi tiền của mình để phối hợp với chính quyền thực hiện các dự án xanh. Quảng Nam chỉ nên thí điểm cơ chế tăng trưởng xanh trong 2 - 3 dự án đầu tư ưu tiên cao và nhân rộng thêm dự án sau 5 năm thực hiện” - GS. Marcus Ingle cho biết.

Tại diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng tới tăng trưởng xanh vừa qua, quan niệm “chung tay vì một thế giới xanh” của Quảng Nam đã được tiếp thêm lực từ hiệu ứng các mô hình tăng trưởng đã định hình, có khả năng ứng dụng cao. Đó là hình ảnh thành phố sinh thái Hội An mới mẻ hay du lịch xanh ở Sa Pa lẫn mô hình phát triển đô thị các giải pháp tổng hợp và quản lý bền vững tại thành phố Suwon (Hàn Quốc), mô hình phát triển đô thị xanh tại thành phố Porland (Hoa Kỳ)…, được kỳ vọng là “hoa tiêu” dẫn dắt con thuyền Quảng Nam đi đến thành công ước vọng xanh này một cách nhanh chóng và bền vững theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra cho đến năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho biết, sẽ nhanh chóng hoàn thiện chương trình hành động chung, cụ thể, điều chỉnh quy hoạch theo đúng lộ trình tăng trưởng xanh. Nếu được sự cho phép của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, tổ chức quốc tế và sự quan tâm của các chuyên gia, tổ chức quốc tế và định chế tài chính…, Quảng Nam sẽ mở diễn đàn tăng trưởng xanh 2 năm/lần để đánh giá hiệu quả và định hướng cho tương lai”.

HỨA CHUNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng trưởng xanh trong mắt chuyên gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO