Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, với nhiều người, là lựa chọn nhằm tạo chỗ dựa cho tuổi già. Hết tuổi lao động muốn có lương hưu nên không ít người đã tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Huệ, chị Tuyên chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là cách lo trước cho tuổi già. Ảnh: H.L |
Lo trước cho bản thân
Sinh năm 1989 nhưng lo trước cho tuổi già, chị Tăng Thị Kim Huệ ở xã Tam Quang (Núi Thành) tìm hiểu nhiều cách tham gia bảo hiểm khác nhau, từ BHXH cho đến các loại hình bảo hiểm nhân thọ. Chị dành không ít thời gian nhờ tư vấn, tìm hiểu kỹ càng. Cuối cùng, chị đi đến lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Với mức đóng hàng tháng 286 nghìn đồng, chị Huệ cho rằng, số tiền này phù hợp với mức lương chị đang làm bưu tá theo diện hợp đồng với Bưu điện thị trấn Núi Thành. Chị Huệ có một con, chồng làm cơ khí kiêm công an thôn, cuộc sống tạm ổn để chị có thể trích tiền đóng BHXH tự nguyện hàng tháng. “Số tiền không quá nhiều nên vừa nuôi con, lo cho gia đình, vừa đóng BHXH hàng tháng thì tôi có thể xoay xở được. Hơn nữa BHXH tự nguyện là của Nhà nước nên cũng không lo lắng sẽ bị mất tiền thế này thế kia. Đó là lý do vì sao tôi chọn tham gia BHXH tự nguyện” - chị Huệ nói.
Đối với chị Huỳnh Thị Tuyên ở xã Tam Giang (Núi Thành), chọn cách tham gia BHXH tự nguyện là một lựa chọn khó. Bởi với mức lương làm bưu tá hợp đồng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, chị Tuyên cùng chồng làm công nhân vừa phải lo nuôi 3 con nhỏ, nuôi cha già. Dù còn nhiều chật vật trong về kinh tế gia đình, nhưng chồng chị Tuyên ủng hộ chị tham gia BHXH tự nguyện. Chị Tuyên cho biết: “Chồng tôi làm công nhân nên đã tham gia BHXH bắt buộc ở công ty, còn tôi không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vì thế vợ chồng bàn bạc và thống nhất để tôi tham gia BHXH tự nguyện. Trước đây, khi làm công nhân tôi đã tham gia BHXH, nhưng khi nghỉ việc, tôi đã nhận trợ cấp một lần. Giờ nghĩ lại tôi thấy tiếc, hồi đó mà biết tính lâu dài, để đó rồi chừ cộng dồn vô thì tốt hơn nhiều”. Chị Tuyên bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 3.2017 đến nay, mỗi tháng đóng 268 nghìn đồng cho đại lý thu. Khoản này được chị Tuyên xem là khoản để dành cho tuổi già, “đến lúc không thể lao động được nữa thì có khoản lương hưu dưỡng già” - chị Tuyên cười nói.
Chưa phổ biến
Tham gia BHXH tự nguyện trong toàn tỉnh hiện chỉ mới có 2.325 người, phần đông trong số này là những người làm những công việc như bưu tá, công an viên ở thôn, dân quân... ở xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, hầu hết người tham gia BHXH tự nguyện đều đã từng đóng BHXH bắt buộc rồi, nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, họ mới tự nguyện đóng một lần để hưởng hưu. Như trường hợp bà Ngô Thị Phường ở thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa (Núi Thành) đã tự nguyện đóng một lần số tiền BHXH của 59 tháng vào tháng 1.2017 để được hưởng lương hưu. Trước đó, bà Phường đã làm việc ở công ty, đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ 181 tháng nên khi nghỉ việc không thể hưởng lương hưu. Bà Phường có thể nhận trợ cấp BHXH một lần, nhưng bà đã không chọn cách này. Bà quyết định đóng thêm số tiền hơn 110 triệu đồng để được hưởng lương hưu bắt đầu từ tháng 2.2017. Dù số tiền lương hưu chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng nhưng bà xem đó là niềm vui khi mỗi tháng bà lại được nhận lương, không sợ sau này phụ thuộc con cháu.
Điều kiện kinh tế của phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định nên họ ít quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Người dân nếu không đi làm ở trong các công ty, xí nghiệp thì chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lan (huyện Phú Ninh) sống bằng nghề buôn bán nhỏ, khi được hỏi bà có quan tâm tới BHXH tự nguyện không, bà cười bảo rằng không quan tâm lắm. “Tôi có mua bảo hiểm y tế hộ để khi đau ốm thì đỡ gánh nặng. Thỉnh thoảng có mấy người ở các công ty bảo hiểm nhân thọ hay tới vận động tôi tham gia để sau này nhận hưu trí. Nhưng tôi không tin họ, nên không tham gia. Bữa hôm tôi nghe mấy người ở đây nói tham gia BHXH tự nguyện là của Nhà nước, cũng được hưởng hưu. Nhưng tuổi tôi giờ tham gia hàng tháng thì biết bao giờ nhận hưu được. Mà tham gia hẳn một lần hoặc chia vài lần thì số tiền lớn quá, tôi lại không đủ điều kiện. Thôi, làm được đồng nào để dành gửi tiết kiệm ở ngân hàng, phòng khi đau ốm cũng được” - bà Lan nói. Có lẽ, tâm lý của bà Lan cũng là tâm lý chung của nhiều người dân khác, làm bữa nay lo bữa mai chứ chưa thể lo xa đến tuổi già. Bởi vậy, việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn là một thách thức không nhỏ của ngành BHXH.
HOÀNG LINH