Hàng da giày “made in Hội An” đang khẳng định vị thế, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại để rộng mở thị trường, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa.
Sản phẩm tinh xảo
TP.Hội An cần thời gian để “nhịp điệu” du lịch trở lại quỹ đạo cũ. Đó cũng là mong ước của chủ những shop hàng da giày có mặt ở các con phố nhỏ, cổ kính trên địa bàn. Những người thợ của các cơ sở đóng giày trên địa bàn phường Cẩm Nam (TP.Hội An) cũng mong mỏi nghề đóng giày khởi sắc trở lại. Anh Hoàng Vũ Thuận (khối phố Châu Trung, phường Cẩm Nam) cho biết, nghề đóng giày ở TP.Hội An tồn tại hàng chục năm nay, đem lại thu nhập khá cho người lao động.
Bấy lâu nay, những đôi giày, dép, bốt... hầu như được làm xong là có đầu ra ổn định. Để tạo ra những chiếc giày theo yêu cầu, người thợ đóng giày ở phường Cẩm Nam tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn. Ngay từ lấy số đo chân, phải cẩn thận để chiếc giày khi hoàn thành vừa khít với đôi chân của khách. Các công đoạn khác cũng kỹ càng không kém, từ khâu pha cắt da, gò vào phom, ép đế, trang trí hoa văn, gia công, đánh bóng, hoàn thiện đều chặt chẽ. Những đường cong của chiếc giày Hội An mang nét đặc trưng bởi sự tài hoa của người thợ. Họ tỉ mẩn gò sao cho đôi giày da mềm mại, vừa hiện đại lại cổ điển, vừa mới mẻ, phong phú kiểu dáng giày.
Chị Lê Thị Thuận - Shop Da giày thời trang Huệ Kiếm (đường Nguyễn Thái Học, TP.Hội An) cho biết, sản phẩm da giày phố Hội có xuất xứ từ phường Cẩm Nam đặc biệt lịch lãm, luôn được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Các loại giày da đều được thao tác thủ công nên độ tinh xảo, bền chắc luôn cao hơn các loại giày dép may sẵn. Mẫu mã của chúng lại đa dạng hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nơi khác nên thương hiệu, vị thế đã được khẳng định. Điểm nhấn của các loại da giày “made in Hội An” là đường chỉ được khâu cẩn thận, tỉ mỉ, chắc chắn, đảm bảo khoảng cách đều nhau, phù hợp với kiểu dáng của giày, vì thế mà tôn lên vẻ sang trọng, độc đáo của chiếc giày.
“Hàng da giày Hội An đã được tạo chuỗi sản phẩm từ nguyên liệu da bò, da trâu nguyên chất đến thiết kế, gia công rất đặc sắc và bán ở các shop thời trang trên địa bàn thành phố, do vậy, không lẫn lộn vào đâu được. Giá các mặt hàng da giày lại phải chăng. Mong ngành du lịch, dịch vụ ở Hội An phục hồi thật nhanh để hàng da giày tiếp tục phát triển” - chị Lê Thị Thuận nói.
Khuyến khích phát triển
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, dịch Covid-19 đang được khống chế, kinh tế dần hồi phục là cơ sở để kỳ vọng lớn vào xuất khẩu hàng da giày tại Quảng Nam. Tín hiệu lạc quan là Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sát cánh cùng các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất da giày, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường, nhất là xuất khẩu.
“Thủ phủ” của giày da Hội An là địa bàn phường Cẩm Nam. Ông Phạm Công Định - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam cho rằng, với đặc tính cần cù, chịu khó, chi li, giày da mang đậm nét văn hóa địa phương.
“Ở mỗi xã, phường trên địa bàn TP.Hội An đều có sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử. Ví như mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), gốm Thanh Hà, rau Trà Quế (Cẩm Hà)..., rất đáng tự hào. Chúng tôi đang xúc tiến để đề xuất UBND TP.Hội An cho phép xây dựng giày da Cẩm Nam thành sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Khi đó, thương hiệu sẽ lớn mạnh hơn, kỳ vọng không chỉ là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du khách mà còn hướng đến xuất khẩu” - ông Phạm Công Định nói.
TP.Hội An là vùng đất rất có tiềm năng phát triển nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, không ít sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như điêu khắc gỗ - vốn vang tiếng xa gần nay chỉ còn cầm cự hoạt động. Bởi vậy, việc duy trì, tạo điều kiện để người dân khai thác thế mạnh về nguyên liệu, nguồn lao động để phát triển nghề đóng da giày là rất cần thiết.
Anh Phạm Thế Thảo chủ cơ sở đóng giày da ở khối phố Châu Trung (phường Cẩm Nam) rất tâm huyết, kỳ vọng với nghề đóng giày da. “Ban đầu tôi chỉ đóng giày da nhỏ lẻ, gửi bán ở các shop thời trang trong khu vực phố cổ. Dần dà, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước mua nhiều, tôi liên hệ và được chính quyền địa phương tạo thuận lợi về thủ tục để vay vốn ngân hàng, mở rộng quy mô sản xuất. Tiếng lành đồn xa, đến nay, đã có cá nhân, tổ chức nước ngoài hợp tác muốn cùng phối hợp sản xuất, xuất khẩu hàng da giày ra nước ngoài. Kỳ vọng mọi việc tiến triển tốt, hàng xuất khẩu có giá trị cao hơn hàng bán trong nước”.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, địa phương rất khuyến khích người dân, các cơ sở sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp tinh xảo như đèn lồng, da giày. Hội An chú trọng quy hoạch, giúp các cá nhân, cơ sở sản xuất có được địa điểm sản xuất tốt, thuận tiện vận chuyển nguồn nguyên liệu, hàng hóa. Để được chọn là sản phẩm OCOP, giày da cần phải đáp ứng các tiêu chí theo quy trình, quy chuẩn khá khắt khe, ngoài đẹp, tinh xảo còn cần phải “sạch”, không tác động xấu đến môi trường xung quanh khi sản xuất, nhất là quá trình thuộc da.
“Chúng tôi luôn kỳ vọng hàng hóa giày da ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu thì càng tốt. Trước hết, chính quyền địa phương giúp các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu, khẳng định vị thế để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường” - ông Nguyễn Văn Sơn nói.