(QNO) - Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, Trung tâm Tư vấn, chăm sóc, giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng do Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm tại TP.Đà Nẵng đã chứng tỏ được sức hút và hiệu quả cộng đồng mà nó mang lại…
Một tiết mục văn nghệ tại lễ ra mắt Trung tâm Tư vấn, chăm sóc, giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng tại TP.Đà Nẵng. Ảnh: P.A |
Trung tâm tư vấn, chăm sóc, giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng tại Đà Nẵng được khởi công xây dựng vào giữa tháng 11.2016 và chính thức hoạt động vào ngày 15.4 vừa qua, đặt tại Trường Mầm non 20.10 (đường Paster, quận Hải Châu). Đây là một trong 4 mô hình thí điểm được Bộ GD-ĐT lựa chọn và triển khai, gồm Đà Nẵng, Lào Cai, Đắc Lắc và Bắc Ninh.
Là thành viên quản trị trung tâm, bà Nguyễn Hồng Phấn - Hiệu trưởng Trường Mầm non 20.10, nói: “Mô hình được thực hiện, triển khai và hướng tới mục tiêu mà dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” theo đuổi. Chính vì vậy, việc đặt trung tâm tại Trường Mầm non 20.10 sẽ có những thuận lợi hơn khi không phải mất quá nhiều chi phí để xây dựng cơ sở vật chất, hạn chế tình trạng lãng phí”. Được biết, tổng kinh phí triển khai dự án tại TP.Đà Nẵng là 140.000 USD để nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học.
Lâu nay, hầu hết các bậc làm cha mẹ đều chăm con dựa theo kinh nghiệm dân gian trong khi xã hội ngày càng nhiều biến đổi, nếu không cập nhận kiến thức, nâng cao kỹ năng nuôi dạy trẻ thì đứa trẻ của chính mình không kịp thích nghi với cuộc sống và dễ dẫn đến những hệ lụy bất thường. Trung tâm giáo dục mầm non dựa vào cộng đồng ra đời sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ có con từ 0-6 tuổi và hỗ trợ các dịch vụ về chăm sóc và giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng. Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc và giáo dục trẻ cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ tại gia đình. Thông qua các hoạt động tư vấn, phối hợp với ngành y tế tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ; tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng cho cha mẹ sử dụng thực phẩm địa phương để chế biến thức ăn cho trẻ; phối hợp với các trạm y tế tổ chức các buổi tư vấn cho nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và phụ nữ mang thai về chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc phụ nữ mang thai…
Trung tâm phối hợp với đội ngũ y tế tổ chức tư vấn cho các bà bầu. Ảnh: P.A |
Chị Ngô Thị Ngọc Diễm (đang có bầu được 6 tháng) chia sẻ: “Bé đầu của tôi đang học ở Trường Mầm non 20.10 nên tôi có dịp tiếp cận với trung tâm. Thực sự mà nói, khi mang thai đứa đầu, kiến thức khi bắt đầu làm mẹ của tôi gần như là số 0, dần dần học qua kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm có những lúc không đúng lắm. Trung tâm ra đời, chúng tôi rất vui vì có nhiều cơ hội tham gia các dịch vụ hỗ trợ cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ để trẻ có cơ hội phát triển một cách toàn diện, khoa học”.
Mục tiêu khi trung tâm ra đời là nâng cao kết quả phát triển trẻ thơ của trẻ em Việt Nam để trẻ sẵn sàng đi học thông qua hỗ trợ cha mẹ, thúc đẩy cộng đồng và tăng cường các dịch vụ phát triển trẻ thơ tại cộng đồng. “Nhiều thế hệ người Việt vốn cho rằng, ở giai đoạn từ 0-6 tuổi, trẻ chưa có nhận thức hay ý thức về thế giới xung quanh. Kỳ thực, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho phát triển nhận thức, suy nghĩ của một đời người. Trẻ được nuôi dạy, giáo dục trong môi trường lành mạnh, an toàn, đầy tình yêu thương sẽ là cơ hội cho trẻ thúc đẩy phát triển nhận thức một cách tối đa. Trung tâm sẽ cố gắng tạo cơ hội bình đẳng cho trẻ không được may mắn khi sinh ra trong gia đình khó khăn thông qua các dịch vụ mang tính cộng đồng. Sau gần một tháng hoạt động, có thể nói, trung tâm đã dần nhận được lòng tin và ủng hộ của các bậc làm cha mẹ, cộng đồng” - bà Nguyễn Hồng Phấn cho biết thêm.
PHAN AN