Tạo "cú hích" cho thương mại cuối năm

VIỆT NGUYỄN 17/11/2023 08:27

Tiểu thương bán hàng trực tiếp và kinh doanh qua mạng; nhà bán lẻ cân đối cung cầu, chăm sóc khách hàng tốt hơn;... là những vận động nổi bật của thương mại Quảng Nam thời gian qua. Tết nguyên đán đã cận kề, ngành chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tạo thêm sức bật lưu thông hàng hóa, trao đổi dịch vụ.

Người tiêu dùng thanh toán qua mã QR khi mua hàng của chị Huỳnh Thị Đào - chủ cơ sở bán giày dép, mũ Sơn Đào ở chợ Tam Kỳ. Ảnh: Q.VIỆT
Người tiêu dùng thanh toán qua mã QR khi mua hàng của chị Huỳnh Thị Đào - chủ cơ sở bán giày dép, mũ Sơn Đào ở chợ Tam Kỳ. Ảnh: Q.VIỆT

Điểm nhấn phân phối hàng hóa

Chợ Tam Kỳ sôi động người bán, kẻ mua. Những chia sẻ của chị Huỳnh Thị Đào - chủ cơ sở bán giày dép, mũ Sơn Đào ở chợ này cho thấy chị bắt nhịp kịp thời với xu thế hiện nay: Chuyển đổi số là tất yếu, trước đây ai tới quầy mua thì mình bán, còn bây giờ có thể bán hàng qua zalo, facebook. Để thu hút khách, chị còn live stream giới thiệu các mặt hàng.

“Hễ có ai đặt hàng qua mạng, tôi hoặc thành viên trong gia đình sẽ nhanh chóng đưa sản phẩm đến người mua. Dù là mua bán trực tiếp hay qua mạng, cái chính là phải uy tín, hàng hóa chất lượng, đảm bảo nguồn gốc; điều đó càng tạo niềm tin với khách mua hàng qua mạng” - chị Đào cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành công thương, ngành nông nghiệp cần phối hợp xây dựng hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước vào các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa. Thu hút và kết nối các cơ sở sản xuất nông nghiệp cùng tham gia, trở thành thành viên của chuỗi để vừa gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm vừa gắn kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, thị trường.

Nhờ áp dụng khuyến mãi sâu, giảm giá lên đến 25% tri ân khách hàng, từ ngày 26/10 đến 15/11 hoạt động kinh doanh của Co.opMart Tam Kỳ khởi sắc hơn.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, chiến lược thương mại là đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định giá cả, nhất là luôn khẳng định khách hàng là trung tâm, người tiêu dùng, các đối tác kinh doanh là tài sản quý giá.

“Trong suốt bề dày hoạt động, siêu thị luôn kết nối bền lâu với khách hàng, tiên phong xây dựng chương trình khách hàng thân thiết, chăm sóc khách hàng thường xuyên, chu đáo. Chúng tôi đang thúc đẩy thương mại điện tử, tích hợp trải nghiệm trí tuệ nhân tạo để thấu hiểu hành vi khách hàng, qua đó thêm kết nối với đối tác kinh doanh, người tiêu dùng” - bà Lai nói.

Không khó để nhận thấy mạng lưới bán hàng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phát triển hơn nhờ hệ thống hạ tầng thương mại được đầu tư phù hợp, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân.

Các hình thức bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, siêu thị mini tăng nhanh chóng, hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, giá cả ổn định, chất lượng bảo đảm.

Ở phân khúc hàng hóa bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống hay phân khúc sang trọng như thời trang, bia rượu của các thương hiệu lớn đều hoạt động tốt.

Càng về cuối năm, sức nóng của tiêu dùng nội địa càng tăng nhờ nhà bán lẻ và tiểu thương đáp ứng tốt những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, áp dụng số hóa trên diện rộng.

Tạo thêm động lực

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, trong 10 tháng của năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.620 tỷ đồng (chiếm 76,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 25,8% so với cùng kỳ).

Ông Dự cho biết, thành quả trên được tích hợp từ nhiều giải pháp. Đó là tăng cường tổ chức kết nối cung cầu, hội chợ, phiên chợ; thực hiện tốt các giải pháp kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa; tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát chặt thị trường giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu, hàng hóa ổn định trên thị trường.

Thị trường bán lẻ từ nay đến Tết Giáp Thìn 2024 được dự báo có nhiều bước đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Khi tâm lý, xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ môi trường sẽ tạo động lực cho phát triển thương mại bền vững. Đây là động lực để ngành thương mại tiếp tục có thêm sức bật mới.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng gắn kết lưu thông với sản xuất, liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra. Các nhà bán lẻ, tiểu thương, nhà phân phối gắn kinh doanh với quản lý chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; liên kết với các nhà sản xuất tạo nguồn hàng ổn định với giá cả cạnh tranh.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam cho biết, sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, phát triển thị trường xuất khẩu và trong nước thông qua hội chợ, triển lãm, tư vấn thị trường, kết nối cung cầu giữa nhà cung ứng, phân phối, tiêu dùng bằng các hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

“Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được triển khai theo hướng lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của hàng hóa Quảng Nam trên các sân chơi lớn” - ông Phúc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo "cú hích" cho thương mại cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO