Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian qua có nhiều chuyển biến nhưng để đạt hiệu quả cao hơn nữa, các ngành chức năng và địa phương cần vào cuộc quyết liệt cùng giải pháp hữu hiệu.
Chuyển biến
Triển khai Tháng hành động vì ATTP từ 15.4 đến 15.5, đoàn công tác liên ngành do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) dẫn đầu đã thanh tra, kiểm tra ở 3 địa phương là Phước Sơn, Duy Xuyên và Phú Ninh. Tại 10 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đoàn công tác đã ghi nhận không có trường hợp sai phạm. Các điều kiện vệ sinh trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người, công bố sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm, chất lượng thực phẩm đều đảm bảo.
Ông Nguyễn Đây - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đánh giá, qua thanh tra, kiểm tra, các huyện đã thực hiện đầy đủ kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP. Công tác tuyên truyền được các địa phương quan tâm dưới nhiều hình thức. Công tác phối hợp liên ngành quản lý ATTP được 3 huyện thực hiện chặt chẽ. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hợp tác, làm việc nghiêm túc với đoàn thanh tra, kiểm tra.
Đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP do Sở Công Thương dẫn đầu đã đề nghị Ban chỉ đạo ATTP TP.Tam Kỳ chỉ đạo Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ phối hợp với BQL các chợ trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của tiểu thương, đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm chín và tươi sống. Cùng với đó, kiểm soát nguồn hàng thực phẩm vào các chợ, đặc biệt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. TP.Tam Kỳ và các huyện Thăng Bình, Tiên Phước cần tăng cường giám sát các bếp ăn tập thể ở trường học, nhà trẻ, các doanh nghiệp phục vụ đám tiệc trên địa bàn.
Bên cạnh những thuận lợi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết còn khó khăn trong quản lý ATTP là đội ngũ cán bộ tuyến xã chưa được phân bổ. Trong khi đó, quản lý ATTP ở tuyến xã cần phải chặt chẽ, nắm sát tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ngay cả ở tuyến huyện, việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Dù đã được các cấp, ngành tuyên truyền vận động mở rộng quy mô nhưng do tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên các cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về tính chuyên nghiệp.
Ông Trần Thiện Hải - Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn kiêm phụ trách Phòng Y tế huyện cho rằng, bộ máy con người, kiến thức về quản lý ATTP ở địa phương còn chưa đảm bảo. Do vậy, các cơ quan cấp tỉnh cần tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý ATTP tuyến xã, huyện. Cùng với đó, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để địa phương mua sắm bộ test nhanh phục vụ chuyên môn quản lý ATTP cũng như có chi phí thực hiện mẫu xét nghiệm.
“Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về ATTP tuyến huyện tăng cường kiểm tra liên ngành để vừa tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng các quy định về ATTP. Đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là các cơ sở kinh doanh hàng hóa nước ngoài nhưng không có tem phụ, không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc” - ông Nguyễn Đây nói.
Nhiều việc phải làm
Đoàn công tác do Sở Công Thương dẫn đầu đã thanh tra, kiểm tra ATTP ở các huyện Tiên Phước, Thăng Bình và TP.Tam Kỳ. Ở chợ Tam Kỳ, đoàn công tác kiểm tra Cơ sở kinh doanh bánh, kẹo Anh Đào (Cơ sở Anh Đào), phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, cơ sở kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Cơ sở kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, buộc phải tiêu hủy tại chỗ. Cơ sở cũng không thực hiện khám sức khỏe định kỳ (1 lần/năm). Có đến 5 hộ kinh doanh bánh kẹo sát ngay Cơ sở Anh Đào cũng mắc phải các sai phạm tương tự.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương đã yêu cầu Ban Quản lý (BQL) chợ Tam Kỳ tổ chức phổ biến các điều kiện kinh doanh thực phẩm để các tiểu thương nắm rõ, vận dụng. BQL chợ Tam Kỳ cần khẩn trương tổ chức ký cam kết với tất cả tiểu thương về đảm bảo ATTP; các hộ tiểu thương cần phải có hóa đơn, hợp đồng mua bán hàng hóa để truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi cần. “BQL chợ Tam Kỳ cần giám sát việc khắc phục sai phạm của Cơ sở Anh Đào cùng 5 cơ sở lân cận và báo kết quả về Sở Công Thương để theo dõi” - ông Thiều Việt Dũng nói.
Ở huyện Thăng Bình, qua thanh tra, kiểm tra Cơ sở kinh doanh tạp hóa Cô Lý (chợ Hà Lam), đoàn công tác do Sở Công Thương dẫn đầu đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm. Cơ sở này chưa thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP, khu vực kinh doanh không tách biệt nhóm các mặt hàng thực phẩm, kinh doanh nước uống nhãn hiệu Hương Việt hết hạn sử dụng... Đoàn công tác đã lập biên bản, bàn giao BQL chợ Hà Lam tiêu hủy toàn bộ hàng hết hạn. Đồng thời giao BQL chợ giám sát việc khắc phục những tồn tại của cơ sở nói trên, báo cáo kết quả về Sở Công Thương trước ngày 18.5 để theo dõi. Nhiều lỗi tương tự cũng đã được đoàn kiểm tra phát hiện, xử lý ở Cơ sở kinh doanh chả Nguyễn Việt Nghĩa (chợ Hà Lam).
“BQL chợ Hà Lam cần thường xuyên tổ chức tiêu trùng, khử độc ở chợ và tuyên truyền kiến thức ATTP đến tiểu thương qua loa phát thanh, phát tài liệu, tờ rơi” - ông Thiều Việt Dũng nói.