Tạo đà phát triển doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 22/06/2017 09:30

Quan điểm của Quảng Nam là kiến tạo, phát triển, phục vụ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thực thi ngày càng sâu rộng hơn.

Số lượng doanh nghiệp sẽ phát triển ngày càng nhiều, đúng như kế hoạch đã ấn định (ảnh minh họa). Ảnh: T.D
Số lượng doanh nghiệp sẽ phát triển ngày càng nhiều, đúng như kế hoạch đã ấn định (ảnh minh họa). Ảnh: T.D

Sôi động

Không khí đầu tư, phát triển doanh nghiệp tại Quảng Nam đã bắt đầu sôi động với nhiều dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ trong vòng một tuần lễ cuối tháng 3.2017, Quảng Nam đã chứng kiến sự bùng nổ đầu tư từ những dự án khởi công, khánh thành. Đó là nhà máy sản xuất lắp ráp xe thương hiệu Mazda (nhà máy hiện đại nhất của Mazda tại khu vực Đông Nam Á) có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng đã được Thaco xây dựng trên diện tích 35ha với công suất 100.000 xe/năm. Một khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An cũng đã được khởi công tại Bình Dương (Thăng Bình) trên diện tích 200ha với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Tập đoàn Vinpearl Nguyễn Việt Quang cho biết các khu khách sạn, biệt thự, trung tâm hội nghị, nhà hàng và khu nông nghiệp cao kết hợp tham quan sẽ hoàn thành vào ngày 30.4.2018. Toàn bộ dự án này sẽ hoàn tất vào năm 2019.

Theo một cuộc điều tra mới đây của Sở KH&ĐT và Cục Thống kê, khoảng 11% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng vốn đầu tư, tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô lao động 12% và số doanh nghiệp báo lãi đã tăng hơn 65%. Ngày 26.5.2017, Công ty TNHH MTV Thái Bình Chu Lai – một công ty con của Công ty TNHH Thái Bình (Cụm công nghiệp Tam Đàn, Phú Ninh) đã khánh thành nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông tại Cụm công nghiệp Nam Chu Lai trên diện tích 2ha. Sở KH&ĐT cho biết đến giữa tháng 6.2017, đã có 473 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cấp giấy chứng nhận cho 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 92,9 triệu USD, nâng số dự án FDI còn hiệu lực lên 143 dự án (tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD) và cấp phép 20 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng. Những dự án lớn có thể kể đến là Khu du lịch và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View tại xã Duy Hải (Duy Xuyên) với tổng vốn đăng ký 4.683 tỷ đồng, dự án nhà máy chế biến ván dán và ván sàn tại Cụm công nghiệp Đại Nghĩa 2 (Đại Lộc) với tổng vốn 200 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Thaco cho hay tiến độ đầu tư đã được cam kết tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam hôm 26.3.2017 với gần 3 tỷ USD (gần 60.000 tỷ đồng) trong giai đoạn 2017 – 2021. Tiếp tục phát triển nhà máy lắp ráp và phát triển linh kiện phụ tùng đầu tư sản xuất máy nông nghiệp; đầu tư vào khu đô thị Chu Lai để đảm bảo điều kiện hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân, trường cao đẳng nghề, trường mẫu giáo… “Phải nói lãnh đạo tỉnh đã đưa ra chiến lược đúng đắn khi xây dựng khu vực này trở thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia. Đến năm 2012, khu vực này sẽ khởi sắc, đủ cơ hội và sẵn sàng đón nhận sự chuyển hướng đầu tư vào Quảng Nam” - ông Tài nói. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định khi hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp gia nhập thị trường, sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã chứng tỏ chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh Quảng Nam được cải thiện rõ nét.

Phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp

Quảng Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với các dự án tầm cỡ quốc gia và những sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như ô tô Trường Hải, kính nổi Chu Lai, gạch men Đồng Tâm, thiết bị vệ sinh Inax, thiết bị ngành may Groz Becker, Indochina Capital, Victoria, Golden Sand, Hyundai, Mazda, Heneiken, Panko, The Nam Hai, sân golf Montgomerie Links, Palm Garden… Nhưng số lượng doanh nghiệp lớn ấy chưa phải là tất cả. Kế hoạch của Quảng Nam năm 2017 sẽ phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp, nâng số lượng doanh nghiệp toàn tỉnh tăng lên 7.500 doanh nghiệp vào năm 2020. Ông Võ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam cho hay các cơ quan quản lý sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, rà soát, đánh giá thực hiện và hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp... Khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp là cần thiết nhưng không phải là một phong trào, không bỏ quên việc dưỡng nghiệp bằng cách hỗ trợ nhiều mặt cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Có thể nói ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù hấp dẫn, thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông tại một cơ quan đầu mối, thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung, nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ… thì sự đồng hành của địa phương, kịp thời giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các kênh đối thoại khác nhau sẽ là động lực để phát triển doanh nghiệp. Với con số 473 doanh nghiệp đã được thành lập trong vòng mấy tháng qua và những giải pháp hiệu quả nhất để tạo ra hiệu ứng, thổi bùng phong trào khởi nghiệp, con số 1.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2017 sẽ không còn là chuyện khó khăn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, kiến tạo, phát triển, phục vụ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phải được thực thi tại địa phương ngày càng sâu rộng hơn. Quảng Nam sẽ thường xuyên duy trì việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động, tiếp cận và ổn định trong sử dụng đất đai, vốn. Chương trình, kế hoạch hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp không phải là một chiến dịch nhất thời mà là hành trình dài hơi, hướng đến chiều sâu và lan tỏa rộng trong nền kinh tế.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo đà phát triển doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO